Thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh tổ chức hoạt động tuyên truyền trực tiếp về giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho đồng bào dân tộc thiểu số tại nhiều xã miền núi trên địa bàn tỉnh; hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức, góp phần nâng cao chất lượng dân số, sức khỏe, nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số.
Từ đầu năm 2022 đến nay, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức hội nghị tuyên truyền về giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở 15 thôn thuộc các xã An Nghĩa (huyện An Lão), Bok Tới (huyện Hoài Ân), Canh Thuận (huyện Vân Canh), Vĩnh Kim, Vĩnh Hiệp (huyện Vĩnh Thạnh). Hội nghị được tổ chức bằng hình thức tuyên truyền trực tiếp tại nhà rông của thôn. Hơn 1.255 đồng bào DTTS đã tham gia hội nghị.
|
Cán bộ Ban Dân tộc tỉnh trò chuyện, tuyên truyền về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại nhà một hộ dân xã An Nghĩa, huyện An Lão sau Hội nghị thông tin, tuyên truyền tập trung tại nhà rông của làng. Ảnh: N.M
|
Cán bộ Ban Dân tộc tỉnh đã tập trung tuyên truyền về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025; Quyết định số 405/QĐ-UBND ngày 2.2.2021 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn II)”; Quy định của pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; Thực trạng, hệ lụy, nguyên nhân, giải pháp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cân huyết thống trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh…
Thôn 1 (xã An Nghĩa, huyện An Lão) là địa bàn có đông đồng bào Bana và H’re sinh sống với 43 hộ, hơn 160 nhân khẩu. Sáng 4.8, nhằm góp phần nâng cao nhận thức cho đồng bào tại làng về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, cán bộ Ban Dân tộc tỉnh đã tập trung thông tin, đưa kiến thức, quy định pháp luật về hôn nhân gia đình đến người dân.
Anh Đinh Văn Hương (người dân thôn 1, xã An Nghĩa) chia sẻ: Thông qua đợt tuyên truyền, thông tin này, tôi và đại diện các hộ dân tiếp tục hiểu, ý thức được tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Chúng tôi sẽ đọc thêm các tài liệu để dặn dò con cháu, nhắc nhở hàng xóm, họ hàng; đặc biệt là bảo ban con cháu đang độ tuổi đi học thì lo tập trung học để kiếm cái chữ, cái nghề, không kết hôn sớm.
Đội ngũ cán bộ, người có uy tín của các thôn, làng cũng được nâng cao trách nhiệm trong thực hiện giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại địa bàn mình. Người uy tín Đinh Văn Nhân (ở thôn 1, xã An Nghĩa) cho hay: “Các Hội nghị thông tin, tuyên truyền về công tác DTTS, đặc biệt là tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống được tổ chức về tận thôn cho thấy sự quan tâm của cấp trên đối với sự phát triển của các thế hệ người đồng bào DTTS, sức khỏe và chất lượng dân số của đồng bào DTTS. Tôi đã biết về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ảnh hưởng đến sự phát triển chung của giống nòi, tác động đến KT-XH. Tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, tác động để đồng bào thực hiện nghiêm các quy định về hôn nhân, gia đình, không để xảy ra tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn.
Thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2021 - 2025” (giai đoạn II), Ban Dân tộc tỉnh đẩy mạnh truyền thông trong nhân dân, đồng bào DTTS. Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đinh Văn Lung, đây là hoạt động thường xuyên, liên tục. Bên cạnh đó, Ban còn phối hợp với các đoàn thể, trường học, địa phương nhân rộng các mô hình giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
“Chúng tôi hy vọng hoạt động truyền thông sẽ từng bước làm thay đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị liên quan đến công tác dân tộc, công tác dân số nhằm đảm bảo phục vụ yêu cầu, nhiệm vụ, chính trị ở cơ sở ngày càng được tốt hơn. Từ đó, tạo sự đồng thuận, góp phần nâng cao chất lượng dân số, sức khỏe sinh sản và nguồn nhân lực vùng DTTS”, ông Đinh Văn Lung cho biết.