Đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định có 3 dân tộc chủ yếu: Bana, Chăm, H’rê, sinh sống ở 6 huyện: An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Hoài Ân, Tây Sơn và Phù Cát, chiếm 2/3 diện tích tự nhiện của tỉnh. Đây là vùng có địa hình phức tạp, nhiều đồi núi cao hiểm trở; là địa bàn chiến lược xung yếu cả về an ninh, quốc phòng, môi trường sinh thái và kinh tế. Do có vị trí chiến lược miền núi quan trọng như vậy, cho nên ngay từ khi Cách mạng mới thành công, tháng 03 năm 1947 Tỉnh ủy đã thành lập Phòng Thượng du vận, do đồng chí Nguyễn Trung Tín làm Trưởng phòng, giúp Tỉnh ủy và Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh về công tác dân tộc và miền núi, là vùng căn cứ địa vững chắc cho cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ. Thời gian này, nhiệm vụ của cán bộ Phòng Thượng du vận là vận động và giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số, vừa là tổ chức tham mưu về dân tộc cho Tỉnh ủy và Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh; một mặt vận động đồng bào các dân tộc huy động sức người, sức của ủng hộ kháng chiến; tổ chức kháng chiến, xây dựng làng chiến đấu, phá tan âm mưu của địch lập các ổ nhóm vũ trang ở vùng dân tộc … Cùng với các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ làm công tác dân tộc đã vận động nhân dân các dân tộc thiểu số Bình Định hăng hái tham gia phong trào kháng chiến, biến núi rừng thành khu căn cứ địa vừng chắc của Cách mạng.
Sau năm 1954, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đã thi hành nhiều âm mưu thâm độc nhằm chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, khuyến khích rộng rãi mê tín dị đoan, cúng bói, ma chay, đồng thời dụ dỗ, mua chuộc bắt ép thanh niên các dân tộc làm bia đỡ đạn cho chúng; để phù hợp với tình hình Cách mạng mới, tháng 3 năm 1959 Tỉnh ủy thành lập Ban Miền Tây với nhiệm vụ vận động các dân tộc thiểu số xây dựng căn cứ địa vững chắc cho cuộc trường kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở vùng dân tộc, miền núi phía Tây của tỉnh; tổ chức, hướng dẫn cho đồng bào trực tiếp chiến đấu đánh địch, lập làng kháng chiến, nuôi dấu cán bộ…
Một đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định qua 21 năm chống Mỹ là xây dựng căn cứ và nuôi dưỡng lực lượng kháng chiến; đồng bào các dân tộc đã đưa hàng nghìn con em tham gia thanh niên xung phong tải đạn, tham gia các lực lượng vũ trang chống Mỹ, cắm lên hàng triệu cây chông, hàng trăm bẫy đá … góp phần cùng với lực lượng vũ trang của tỉnh củng cố căn cứ địa miền núi. Đồng bào còn đóng góp sức người, sức của cho việc nuôi dưỡng, phát triển lực lượng vũ trang giải phóng. Nhiều nơi đồng bào đói chỉ ăn sắn, ăn rau còn lúa gạo làm ra đều để dành ủng hộ Cách mạng.
Năm tháng đã đi qua, nhưng truyền thống vẻ vang, những chiến công vang dội của các dân tộc, miền núi trong tỉnh luôn là niềm tự hào của đồng bào các dân tộc và mỗi người dân Bình Định yêu nước hôm nay và mãi mãi về sau. Đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Tổ quốc giao, không sợ hy sinh gian khổ cùng với bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương đã chiến đấu ngoan cường, đánh bại kẻ thù xâm lược mạnh hơn ta nhiều lần về tiềm lực kinh tế cũng như quân sự; giữ vững và xây dựng vùng căn cứ cách mạng, làm hậu cứ vững chắc của tỉnh Bình Định và Khu 5 trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cứu nước cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30/4/1975.
Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, anh dũng của dân tộc; những người làm công tác dân tộc đã động viên đồng bào các dân tộc thiểu số dấn thân vào cuộc chiến đấu chống kẻ thù xâm lược với nhiệm vụ thầm lặng, nhưng rất nặng nề và đầy khó khăn, gian khổ. Đã vận động đồng bào các dân tộc thiểu số tích cực tham gia đóng góp sức người, sức của cho Cách mạng; nuôi, dấu, bảo vệ cán bộ Cách mạng; trừ gian, bảo mật tiêu diệt các thế lực phản động; hăng hái tăng gia sản xuất, cứu đói, xóa mù chữ, lập làng, lập ấp kháng chiến chống địch càng quét bảo vệ cơ sở, bảo vệ cách mạng quan trọng; tuyên truyền, vận động, giác ngộ, hướng dẫn các tầng lớp nhân dân, đồng bào các dân tộc và tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào những người làm công tác dân tộc không ngại hy sinh, gian khổ, bám đất giữ làng, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó.
Sau năm 1975, công tác dân tộc triển khai trên địa bàn vùng dân tộc, miền núi với những nội dung và yêu cầu mới. Tập trung ổn định sản xuất và đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số, giải quyết các vấn đề do hậu quả chiến tranh để lại, đẩy mạnh công tác định canh định cư, theo dõi kiểm tra việc thực hiện các chính sách xã hội cho bà con các dân tộc thiểu số. Năm 1976, Tỉnh ủy quyết định thành lập Ban Dân tộc Tỉnh ủy với nhiệm vụ là giúp Tỉnh ủy theo dõi, kiểm tra và tổng hợp tình hình chấp hành đường lối, chính sách của Đảng và chủ trương của Tỉnh ủy về vấn đề dân tộc, nghiên cứu các vấn đề về chấp hành chính sách của Đảng đối với các dân tộc ở địa phương theo yêu cầu của Tỉnh ủy và Ban Dân tộc Trung ương;
Đồng thời, UBND tỉnh thành lập Ban Định canh – Định cư với nhiệm vụ tham mưu UBND tỉnh thực hiện ổn định định canh, định cư cho đồng bào các dân tộc thiểu số còn du canh, du cư ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn và phát triển vùng kinh tế mới miền núi;
Ngày 28/12/1984, UBND tỉnh Nghĩa Bình quyết định hợp nhất Ban Khai hoang xây dựng vùng kinh tế mới với Ban Định canh – Định cư tỉnh thành Ban Định canh định cư và Kinh tế mới tỉnh.
Thực hiện Nghị quyết số 22/NQ-TW ngày 27/11/1989 của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi”; tỉnh hợp nhất Ban Dân tộc Tỉnh ủy và Ban Định canh – Định cư và Kinh tế mới thành Ban Miền núi – Định canh định cư là cơ quan quản lý nhà nước đối với lĩnh vực công tác dân tộc và miền núi trong phạm vi cả tỉnh; đồng thời là cơ quan tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh về chính sách chung và chính sách cụ thể đối với vùng dân tộc thiểu số, miền núi;
Ngày 16/8/1994, UBND tỉnh Bình Định ban hành Quyết định số 5367 QĐ/UB đổi tên Ban Miền núi – Định canh định cư tỉnh thành Ban Dân tộc và Miền núi tỉnh Bình Định.
Năm 2004, thực hiện Nghị định số 53/2004/NĐ-CP ngày 18/02/2004 của Chính phủ về kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân tộc thuộc Ủy ban nhân dân các cấp, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 145/2004/QĐ-UB ngày 31/12/2004 đổi tên Ban Dân tộc và Miền núi thành Ban Dân tộc; chuyển giao 3 Ban Định canh định cư và Kinh tế mới của các huyện: Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão do Ban Dân tộc tỉnh quản lý về UBND huyện trực tiếp quản lý và đổi tên thành Phòng Dân tộc; riêng Ban Định canh, định cư –Kinh tế mới Hoài Ân được sát nhập vào Văn phòng HĐND – UBND huyện Hoài Ân;
Năm 2008 thực hiện Nghị định số 14/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, UBND tỉnh quyết định sát nhập 3 Phòng Dân tộc: Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão vào Văn phòng HĐND và UBND huyện;
Thực hiện Nghị định 12/2010/NĐ-CP ngày 26/02/2010 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2008/NĐ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh quyết định thành lập lại 3 Phòng Dân tộc: Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão thuộc UBND huyện.
Như vậy, đến từ 2016 đến nay, hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc tỉnh Bình Định gồm Ban Dân tộc tỉnh, Phòng Dân tộc 3 huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão và Văn phòng HĐND-UBND 3 huyện Hoài Ân, Tây Sơn và Phù Cát.