Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về cải cách hành
chính (CCHC), trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính giai
đoạn 2020 – 2025; Quyết định số 3809/QĐ-UBND ngày 14/09/2021 của Ủy ban
nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 09-CTr/TU
ngày 14/5/2021 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh; Ban
Dân tộc xây dựng Kế hoạch cải cách hành chính (CCHC) giai đoạn 2021 - 2025
với các nội dung cụ thể sau:
1. Công tác chỉ đạo điều hành
1.1. Mục tiêu
- Tiếp tục triển khai, quán triệt có hiệu quả và tổ chức thực hiện các chương trình, nghị quyết, nghị định, chỉ thị, kế hoạch của Trung ương, của tỉnh liên quan đến công tác CCHC;
- Cải thiện và nâng cao kết quả các chỉ số liên quan đến CCHC và bảo đảm kết quả năm sau cao hơn năm trước; phấn đấu chỉ số CCHC của Ban Dân tộc nằm trong nhóm cơ quan, đơn vị xếp vị trí cao của tỉnh; góp phần cải thiện, nâng cao các chỉ số về năng lực cạnh tranh, Chỉ số quản trị và hành chính công, Chỉ số cải các hành chính của tỉnh.
1.2. Nhiệm vụ và giải pháp
- Đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ về công tác CCHC; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu của các phòng trong việc đề xuất các sáng kiến, ý tưởng, giải pháp, chương trình, đề án để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đề ra trong kế hoạch CCHC của Ban và theo phân công của Ủy ban nhân dân tỉnh;
- Tiếp tục phát huy và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về CCHC; đa dạng hình thức, phương tiện thông tin, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của đội ngũ công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp và xã hội về các chủ trương, chính sách, nội dung CCHC;
- Bố trí đủ nguồn tài chính cho CCHC. Quan tâm bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ làm công tác CCHC;
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong công tác chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ CCHC, trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ công chức cơ quan; chú trọng kiểm tra việc khắc phục những tồn tại, khuyết điểm đã được nêu ra trong kỳ kiểm tra trước. Kịp thời biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác CCHC; đồng thời, xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm.
2. Cải cách thể chế
2.1. Mục tiêu
Cơ bản hoàn thiện hệ thống thể chế của nền hành chính nhà nước, trọng tâm là thể chế về tổ chức bộ máy và quản lý công chức, người lao động, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và năng lực kiến tạo phát triển.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường; tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
2.2. Nhiệm vụ và giải pháp
- Thực hiện rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật theo lĩnh vực dân tộc và miền núi, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ, ban hành mới phù hợp với quy định của UBND tỉnh, Ủy ban Dân tộc và đáp ứng yêu cầu thực tiễn;
- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật; trách nhiệm giải trình về các chính sách, TTHC theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức;
- Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng tham gia dự thảo và góp ý các văn bản quy phạm pháp luật của các sở, ngành, đảm bảo thực hiện đúng quy trình, tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ và tính khả thi;
- Nâng cao chất lượng công tác tự kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, cập nhật văn bản quy phạm pháp luật;
- Củng cố, kiện toàn, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp luật cho đội ngũ công chức, người lao động của Ban Dân tộc;
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; thực hiện chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo quy định.
3. Cải cách thủ tục hành chính
3.1. Mục tiêu
- Hoàn thành việc đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không theo địa giới hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân;
- Thường xuyên rà soát đơn giản hóa TTHC nhằm đảm bảo tính pháp lý, hiệu quả, minh bạch và công bằng trong giải quyết công việc hành chính.
3.2. Nhiệm vụ và giải pháp
- Thực hiện nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu các phòng, đơn vị trực thuộc Ban trong cải cách TTHC; xác định sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo hiệu quả cải cách TTHC;
- Thực hiện rà soát, đánh giá TTHC, kiến nghị đơn giản hóa TTHC; đơn giản hóa quy trình thực hiện TTHC trong nội bộ cơ quan, đơn vị và với các cơ quan, đơn vị có liên quan; chủ động rút ngắn thời gian giải quyết TTHC;
- Thường xuyên theo dõi, cập nhật và kịp thời tham mưu công bố danh mục TTHC thuộc phạm vi quản lý; công khai TTHC dưới nhiều hình thức, tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức tìm hiểu và thực hiện.
4. Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước
4.1. Mục tiêu
Tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo quy định của pháp luật, quy định khung của Chính phủ và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
4.2. Nhiệm vụ và giải pháp
- Tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ các phòng chuyên môn, đơn vị thuộc Ban trên cơ sở Đề án vị trí việc làm được cấp thẩm quyền phê duyệt và các quy định mới liên quan đến chức năng nhiệm vụ về công tác sắp xếp, phân công công chức cho phù hợp theo quy định;
- Xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ công chức giai đoạn 2022-2025; thực hiện chính sách thu hút người có tài, có đức vào hoạt động công vụ. Trên cơ sở danh mục vị trí việc làm để xác định số lượng biên chế phù hợp;
- Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về phân cấp, ủy quyền; gắn trách nhiệm với quyền hạn, phát huy tính chủ động của các cấp, các ngành trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, đề cao trách nhiệm giải trình trong tổ chức thực hiện phân cấp; theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ đã phân cấp, ủy quyền;
- Xây dựng và thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các ngành, các cấp để giải quyết theo nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý nhà nước.
5. Cải cách chế độ công vụ
5.1. Mục tiêu
- Xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động và thực tài. Thực hiện cơ chế cạnh tranh lành mạnh, dân chủ, công khai, minh bạch trong bổ nhiệm, đề bạt và tuyển dụng công chức để thu hút người thực sự có đức, có tài vào làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước.
- Tỷ lệ công chức trong cơ quan có trình độ chuyên môn sau đại học đạt từ 10% trở lên; phấn đấu đến năm 2025 đạt 100% công chức đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định.
5.2. Nhiệm vụ và giải pháp
- Tiếp tục rà soát, hoàn thiện đề án vị trí việc làm trong cơ quan theo quy định; cơ cấu lại công chức theo danh mục vị trí việc làm, khung năng lực, bảo đảm bố trí đúng người, đúng việc, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức;
- Hoàn thiện các tiêu chí, quy trình đánh giá, phân loại công chức theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch, lượng hóa các tiêu chí đánh giá và đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong đánh giá, phân loại;
- Thực hiện nghiêm các quy định về tuyển dụng, quy hoạch, đánh giá công chức; đảm bảo trình tự, thủ tục và tiêu chuẩn chức danh khi bổ nhiệm, điều động, luân chuyển; định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức chuyên môn theo quy định của Chính phủ;
- Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước; bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức; bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý.
6. Cải cách tài chính công
6.1. Mục tiêu
Sử dụng có hiệu quả ngân sách nhà nước phân bổ cho cơ quan gắn với nhiệm vụ được giao và sản phẩm đầu ra, nhằm nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và thúc đẩy sự sáng tạo; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, thực hiện tốt việc cân đối, thu chi ngân sách hợp lý; kiểm soát tham nhũng tại cơ quan. 6.2. Nhiệm vụ và giải pháp
- Thực hiện đầy đủ các quy định công khai tài chính theo quy định, nâng cao trách nhiệm của đơn vị về thu, chi ngân sách hàng năm;
- Tiếp tục thực hiện cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính theo hướng tiếp tục giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ quan hành chính nhà nước theo quy định của pháp luật.
7. Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số
7.1. Mục tiêu
- 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành (không bao gồm nội dung mật) được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh;
- 100% dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh được kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia;
- Triển khai Hệ thống phục vụ họp trực tuyến và xử lý công việc của cơ quan trên môi trường số;
- 90% hồ sơ công việc tại cơ quan được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).
7.2. Nhiệm vụ và giải pháp
- Thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử theo lộ trình của Trung ương, của tỉnh bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, hiệu quả;
- Đẩy mạnh thực hiện xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng, triển khai kết nối, liên thông giữa các cơ quan hành chính nhà nước, giữa các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh;
- Phát triển dữ liệu nội bộ, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, sử dụng hiệu quả các phần mềm quản lý, cơ sở dữ liệu dùng chung, bảo đảm quản lý thống nhất, đồng bộ và kết nối thông suốt giữa các cơ quan, đơn vị và địa phương trên địa bàn tỉnh;
- Nghiên cứu, triển khai các biện pháp đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước; tăng cường chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc của cơ quan trên môi trường số, tổ chức họp, hội nghị bằng hình thức trực tuyến, không giấy tờ.