Lễ hội truyền thống là bộ phận quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể và là thành tố không thể thiếu trong cộng đồng dân cư. Huyện Vĩnh Thạnh là một trong những địa phương giữ gìn, phát huy tốt các lễ hội truyền thống.
Cũng như đồng bào nhiều dân tộc khác, lễ hội là nhu cầu đã tồn tại, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong cộng đồng Bana Kriêm. Hệ thống các lễ hội ở huyện Vĩnh Thạnh rất phong phú và đa dạng. Mỗi lễ hội mang nét đặc trưng và giá trị riêng, gắn bó với các tập tục truyền thống ở mỗi vùng, mỗi làng và được suy tôn, giữ gìn như: Lễ hội cầu mong sức khỏe (Tơ nơr), Hội lên nhà mới (Hao hnam ‘nao), Lễ hội ăn cơm lúa mới (Xa mok)…
Lễ hội đâm trâu (Nar Grong tơm Kapô)
Ðâm trâu là một trong những lễ hội truyền thống có từ lâu đời của người Bana Kriêm. Thời xa xưa, trước khi ra trận, dân làng tổ chức Lễ hội đâm trâu để cầu nguyện, mong muốn cho các chàng trai làng mình ra trận chiến đấu mang thắng lợi trở về và khi chiến thắng trở về, dân làng một lần nữa lại tổ chức đâm trâu ăn mừng. Ngày nay, trong các ngày lễ lớn của cộng đồng, của các gia tộc như: Ngày hội làng, Lễ hội nhà rông, lên nhà mới, đám cưới, mừng các ngày kỷ niệm lớn của đất nước… người Bana Kriêm vẫn tổ chức đâm trâu.
Theo phong tục, trước đây Lễ hội đâm trâu thường được tổ chức trong 3 ngày, 2 ngày đầu tại giàn tế, ngày cuối ở sân nhà rông. Ngày thứ nhất, người ta dắt một con trâu to béo, đầy sức lực đến giàn tế, nối cổ trâu vào cột tế bằng một dây thừng bện thật chắc, dài độ 2 m. Dân trong làng và người xem đứng bao quanh giàn tế thành một vòng tròn rộng.
Người chủ trì ngày hội là già làng đứng gần cột buộc trâu. Thanh niên nam, nữ đánh chiêng, cồng, múa đứng sau lưng người chủ lễ. Khi già làng khấn xong bài khấn với nội dung cầu xin thần trời, thần nước, thần núi, thần sông lên chứng kiến ngày hội đâm trâu và xin các thần phù hộ cho dân làng trồng được nhiều lúa, nuôi được nhiều trâu bò; tiếng chiêng, cồng bắt đầu nổi lên hòa với tiếng hú của dân làng. Cảnh buôn làng trở nên rộn ràng, sinh động. Suốt đêm hôm đó, họ ăn thịt heo, uống rượu, múa và đánh chiêng, cồng không biết mỏi chân, mỏi tay.
Lễ hội nhà rông (Hnam rông)
Nhà rông - một số nơi gọi là rông, a war, hnam rông - là ngôi nhà chung, nơi tổ chức các lễ hội vui lớn của làng. Ở người Bana, tất cả các làng, lớn hay nhỏ, đều có nhà rông. Nhà rông là công trình chung do công sức của tất cả mọi người trong làng đóng góp trong quá trình xây dựng. Làm xong nhà rông, dân làng lại tổ chức lễ hội mừng nhà rông mới.
Lễ hội ăn cốm lúa mới (Xa mok)
Sau một năm nương rẫy vất vả, đến mùa thu hoạch, người Bana Kriêm tổ chức ăn cơm mới hoặc ăn cốm lúa mới. Có thể nói, đây là một trong những lễ hội lớn, đánh dấu một năm lao động vất vả đã qua, để bước sang một năm mới với mong ước nhiều điều tốt đẹp sẽ đến với dân làng.
Những bông lúa rẫy vừa mới chín được suốt đem về nhà rang nóng, sau đó đem giã thật kỹ, sẽ cho ra cốm nóng giòn, thơm mùi lúa mới. Theo tập tục truyền thống, cốm lúa mới của người Bana Kriêm được tổ chức ăn tại gia đình, có nơi tổ chức chung tại nhà rông. Dù tổ chức riêng ở từng gia đình hay tại nhà rông, lúc nào Lễ hội ăn cốm lúa mới cũng thật sự là ngày hội đông vui của dân làng. Bà con cùng đàn hát, đánh cồng, đánh chiêng suốt 2 ngày 2 đêm.
Lễ hội mừng sức khỏe (Tơ nơr)
Theo tập tục truyền thống của người Bana Kriêm, Lễ hội mừng sức khỏe được tổ chức không theo ngày tháng cụ thể nào. Thường là chủ nhà nhận thấy 2, 3 năm liền kề nhau, tất cả các thành viên trong gia đình đều khỏe mạnh, làm nương, làm rẫy cho thu hoạch lúa, hoa màu kết quả tốt đẹp; chăn nuôi con trâu, con dê, con heo… phát triển, thì nhà nào có điều kiện sẽ tiến hành tổ chức lễ hội, gọi chung là Lễ hội mừng sức khỏe.
Ngoài ra, người Bana Kriêm cũng có tục mừng sức khỏe làng (Tơ nơr pơlei). Khoảng trong 5 năm, dân làng ít bị gặp phải các dịch bệnh hiểm nghèo, dân làng sống hòa thuận, đoàn kết; làm nương, làm rẫy thu được kết quả tốt, ăn đủ no, mặc đủ ấm, chăn nuôi phát triển… thì làng cũng sẽ tổ chức Lễ hội mừng sức khỏe. Dù tổ chức riêng từng gia đình hay chung của làng, trong Lễ hội mừng sức khỏe, dân làng sẽ cùng uống rượu cần, mổ trâu, dê, heo và đàn hát, đánh cồng, chiêng, chúc tụng nhau mừng sức khỏe, mừng hạnh phúc mọi nhà.
Lễ hội là một trong những sinh hoạt văn hóa có ý nghĩa tốt đẹp ở mỗi vùng, mỗi cộng đồng dân tộc; là chất kết dính tạo nên sự cố kết cộng đồng, nơi cộng đồng gắn kết bởi nhu cầu sự đồng cảm trong các hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hóa. Từ đó, lễ hội góp phần làm cầu nối giữa các thế hệ, bồi đắp tình yêu quê hương, bản làng. Trong tình hình kinh tế, xã hội và văn hóa như hiện nay, việc tổ chức các lễ hội ở một huyện miền núi như Vĩnh Thạnh là cần thiết, vừa phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp, vừa góp phần xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, góp phần bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống.