Nhạc cụ cồng chiêng rất gần gũi trong đời sống của người H’re, nó gắn liền với từng cá thể trong cộng đồng bởi tính khoáng đạt và hùng tráng trong từng giai điệu, từng âm thanh, thể hiện được tâm tư, tình cảm vui, buồn. Những bài chiêng tiết tấu đơn giản nhưng diễn tả được nếp sinh hoạt mộc mạc của người miền núi, lại dễ thực hiện nên hầu như chàng trai, cô gái H’re nào cũng thạo việc đánh chiêng. Với vị trí đặc biệt như vậy trong đời sống của người H’re, nên khi có người mua một bộ cồng chiêng về thì cũng là một sự kiện quan trọng của cả làng. Ngoài việc phải chọn bộ cồng chiêng thật kỹ càng thì lễ rước cồng chiêng cũng là một phong tục được con cháu ngày nay gìn giữ, phát huy.
Đối với người H’re, tuy cồng chiêng là một loại nhạc cụ nhưng nó cũng có tâm hồn. Vì thế, khi ta vui thì tiếng chiêng đánh lên nghe rất vui tai; khi ta buồn tiếng chiêng nghe cũng buồn theo não nuột. Người trên rẫy, người ngoài đồng hay ở làng bên nghe tiếng chiêng là biết làng có chuyện vui hay buồn. Cồng chiêng biết “nói” với con người nhiều điều lắm… Theo những Già làng và người cao tuổi thì: “Cồng chiêng ở làng người, nó là con ma của làng người; mua về làng ta thì phải làm phép cho nó thành con ma làng mình”. Những người đi mang cồng chiêng về làng phải là những thanh niên trai tráng, khỏe mạnh thì tiếng chiêng mới khỏe, mới vang xa; khi đi mang cồng chiêng, mỗi người chỉ được mang một chiếc. Trên đường mang chiêng về không ai được dừng lại ở bất cứ nơi nào để giữ cho hồn chiêng không bị ma nhà người bắt mất.
Vào một ngày lành đã chọn, gia chủ và dân làng đi rước cồng chiêng; Khi đoàn người rước cồng chiêng về đến cổng làng, già làng vui vẻ hẳn lên và thông báo với mọi người:
- Hỡi lũ làng!... Cồng chiêng đã về đến làng ta rồi!
Tại cây nêu giữa làng, lễ vật được chuẩn bị là hai ché rượu cần, một số vật dụng và một con gà trống choai để lấy tiết cúng thần chiêng, cầu mong thần ban cho bộ chiêng có tiếng kêu ngân vang, trong trẻo. Khi cồng chiêng được mang về và xếp quanh cây nêu. Già làng dùng săng (dao) cắt cổ gà và cho máu nhỏ lên từng chiếc chiêng. Già làng đếm: Một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy . . .
Trong lúc đó thầy cúng bắt đầu bài cúng thần chiêng, hai tay thầy cúng đưa qua, đưa lại trên mặt chiêng. Bài cúng nói rằng:
- Cái cồng, cái chiêng! Mày ở làng người, mày làm ma làng người. Mày về làng tao, mày là ma làng tao. Thần chiêng cho cái tay con trai, con gái làng tao đánh tiếng chiêng vang xa bảy núi. Đánh lên một tiếng người cả làng đều nghe thấy. Đánh lên hai tiếng thì người làng bên cũng phải ngừng việc lắng nghe. Đánh lên ba tiếng chim trong rừng ngừng hót lắng nghe. Hú . . . Hú…
Sau tiếng hú của thầy cúng, tất cả mọi người có mặt tại lễ cúng đều hú gọi để đưa hồn chiêng về làng.
Tiếng hú gọi hồn chiêng được rừng núi khếch lên vang xa để lỡ có cái chiêng nào bị đánh rơi hồn trong khi đi đường nghe thấy mà tìm về chủ mới.
Già làng đốt gu, khói hương nghi ngút. Và hơ từng chiếc chiêng lên ngọn khói để làm lễ nhập ma. Thầy cúng tiếp tục bài cúng chiêng:
- Mày đã làm ma làng tao thì tiếng chiêng tốt mày giữ, tiếng chiêng xấu mày không kêu. Mày kêu cho con trai, con gái trong làng nhảy nhanh, nhảy đẹp. Mày kêu cho người già hát H’Mon hay không biết mệt. Mày kêu cho con trai, con gái chưa lấy vợ, lấy chồng biết hát ca lối để tìm bạn đời. Mày kêu để trẻ con lớn lên biết hát Klêu, Tachoi để ngợi ca công ơn của tổ tiên người H’re. Mày kêu để ngọn lửa từng bếp nhà sàn không tắt. Mày kêu cho tiếng chim hót thêm hay, để con cá dưới suối biết tung tăng bơi lượn, mày kêu cho lúa trên rẫy mẩy hạt, bắp trên nương lớn nhanh. Mày kêu cho màu sắc bông hoa Kpa nhút không tàn, tỏa hương thơm ngát. Mày kêu cho tiếng đàn T’rưng, đàn pơgót, đàn talía, đàn aradoon, đàn chin ca la được thánh thót suốt đêm…
Thầy cúng cầm đồng xu khấn vái:
- Xin thần chiêng chứng giám cho hồn chiêng ở lại với làng, cho bộ chiêng này được nhập ma vào làng.
Thầy cúng thảy đồng xu lên để xin xăm. Đồng xu ở mặt ngửa. Như vậy là thần chiêng đã cho phép hồn chiêng ở lại làng, cho phép bộ chiêng được nhập ma về làng. Thầy cúng vui mừng thông báo với mọi người:
- Như vậy là Thần chiêng đã cho hồn chiêng ở lại làng ta rồi, cồng chiêng đã nhập ma vào làng ta rồi! Lũ làng cho thần chiêng uống rượu cần đi! Hú…hú…
Nghi lễ nhập ma cho cồng chiêng xong, thầy cúng và Già làng cho phép các cô gái đi lấy nước đổ vào hai ché rượu cần. Một ché để cúng thần chiêng, một ché để Già làng, thầy cúng và những người uy tín, những trai làng đi lấy chiêng cùng uống. Thầy cúng hút ngụm rượu cần rồi phun lên từng chiếc chiêng để cho chiêng biết uống rượu. Một ché khác thầy cúng hút lên rồi nhổ ra đất cho ma làng (những người khuất mặt) uống trước, sau đó mời già làng uống rượu.
Sau khi uống hơi rượu, Già làng đánh chiêng cái ba tiếng. Các trai làng đánh trả lại ba tiếng. Bài hòa tấu nhạc cụ cồng chiêng bắt đầu. Trong âm thanh hùng tráng, du dương của cồng chiêng, già trẻ, trai gái trong làng say sưa nhảy múa. Già làng hát H’mon ca ngợi thần chiêng.
Lễ hội rước cồng chiêng là một nét văn hóa đặc sắc của người H’re An Lão. Tuy chỉ có một vài nghi lễ nhưng lại đậm tính thiêng liêng. Người H’re không chỉ coi cái cồng, cái chiêng là những vật dụng phục vụ cho con người mà nó giống như người bạn để họ có thể thủ thỉ tâm tình khi buồn, khi vui. Lễ hội rước cồng chiêng đã làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người H’re, vì vậy mà nó được gìn giữ và lưu truyền đến ngày hôm nay.