Đám cưới truyền thống của người Bana K’riêm ở huyện Vĩnh Thạnh thường được tổ chức tại lễ cưới ở nhà trai và lễ cưới ở nhà gái. Hai lễ cưới này được tổ chức song hành với những lễ nhỏ khá độc đáo, phản ánh đời sống văn hóa phong phú của người Bana K’riêm.
Để đi đến Lễ cưới, trước hết là làm Lễ dạm hỏi. Lễ này thường được tiến hành trước ngày cưới vài ngày. Khi gia đình hai bên ưng thuận, gia đình nhà trai nhờ ông mai cùng với lễ vật: Trầu, cau, vòng cườm trao cho cô dâu làm lễ đính ước. Trong buổi cúng ông mai trao cho cô dâu tương lai một chiếc vòng tượng trưng cho lời đính ước của nhà trai. Sau khi thống nhất, hai bên gia đình tiến hành chuẩn bị cho lễ cưới chính thức sẽ diễn ra vào một ngày gần nhất đã được ấn định. Một điều khá thú vị trong quan niệm của người Bana K’riêm Vĩnh Thạnh đó là từ sau lễ hỏi cô dâu và chú rể kiêng không được gặp nhau, chỉ được gặp nhau khi đến lễ cúng nhận cô dâu chính thức.
Tiếp đến là Lễ ông mai được tiến hành vào sáng ngày đầu tiên diễn ra đám cưới. Ông mai và thầy cúng đến nhà trai rất sớm. Họ bắt tay vào chuẩn bị một số đồ dùng và vật phẩm phục vụ cho các nghi thức chuẩn bị diễn ra trong đám cưới. Khi mọi việc chuẩn bị cho lễ cúng hoàn tất, người cha của chú rể sẽ đeo vào cổ lần lượt 3 chiếc vòng làm bằng sáp ong cho thầy cúng và hai ông mai. Theo quan niệm của người Bana thì sáp ong tượng trưng cho ông trời (bởi vì sáp ong chính là tinh hoa của trời đất, của muôn loài hoa kết tinh thành). Sau lễ cúng ông mai là đến lễ cúng báo tin những người đã khuất có liên quan đến dòng họ. Điều đặc biệt là trong các nghi thức cúng này đều chỉ có cha chú rể tham gia, người mẹ không được tham gia, phải chăng ở đây phản ánh chế độ phụ hệ đã chiếm lĩnh rõ nét trong ý thức hệ của cộng đồng người Ba na K’riêm Vĩnh Thạnh? Sau lễ cúng này thì các nghi thức chính của một đám cưới mới thật sự bắt đầu, đó chính là lễ cưới.
Lễ cưới gồm rất nhiều lễ nhỏ khác đi kèm, như: Lễ cúng rước và thử cồng chiêng; Lễ giới thiệu dòng họ nhà trai về đám cưới, Lễ mừng những người giúp đám cưới, Lễ rượu ghè mừng các dòng họ trong làng, Lễ mời cơm dân làng. Sau khi các lễ trên được tiến hành xong thì sẽ cử hành lễ rước dâu.
Lễ rước dâu là một nghi thức khá quan trọng. Đội hình múa là những cô gái bận các bộ váy truyền thống với nhiều sắc màu rực rỡ, và đeo đủ thứ trang sức. Đội hình cồng chiêng của nam thì chọn cho mình những chiếc khố, chiếc áo đẹp nhất. Những cô gái trong đội hình múa vừa đi vừa múa uyển chuyển theo nhịp cồng chiêng do đội hình nam đánh. Tất cả tạo nên một bầu không khí rất vui nhộn và đẹp mắt. Ngoài đội hình múa và đội hình cồng chiêng thì không thể không kể đến hai nhân vật đi cùng, đó là Pơ rak và Pơ man. Pơ rak là nhân vật nam, là hóa thân của một già làng; Pơ man là nhân vật nữ, là hóa thân của một con ma xấu xí.
Khi đoàn rước đi ngang qua cổng nhà cô dâu thì cô dâu và đoàn người nhà gái nhập vào phía sau đoàn rước (không có chú rể đi cùng đoàn rước giống như ở dân tộc Kinh). Lúc này cô dâu phải đeo sẵn một gùi bó củi sau lưng để đem về nhà chồng. Điều này thể hiện sự siêng năng, làm nương rẫy giỏi của cô dâu. Bó củi cũng chính là lễ vật ra mắt nhà trai của cô dâu. Sau nghi thức này là một loạt các nghi thức khác được diễn ra tại nhà trai như: Lễ cô dâu bước qua cửa (sợi chỉ); Lễ mời trầu nhà gái; Lễ đi múc nước; Lễ giã gạo; Lễ uống rượu cần cô dâu; Lễ cúng rượu mời nhà gái ăn cơm, Lễ cúng dãy ghè rượu để mời bà con dòng họ uống. Tiếp đến là Lễ cúng cô dâu chú rể chính thức thành vợ chồng.
Lễ cúng cô dâu chú rể chính thức thành vợ chồng (được tổ chức vào buổi tối): Đây là nghi lễ quan trọng nhất của đám cưới. Đến nghi lễ này thì chú rể mới được xuất hiện cùng cô dâu. Cũng tại nghi lễ này thì chiếc đuôi heo được đeo vào cổ trước ngực thầy cúng, bên cạnh vòng sáp ong. Đuôi heo tượng trưng cho chó sói (quyền uy) nhưng cũng là để gây cười cho mọi người để đám cưới được vui hơn. Thầy cúng đọc bài cúng báo tin cho các Giàng dòng họ chứng kiến cô dâu chú rể chính thức thành vợ chồng. Ngay sáng sớm hôm sau sẽ tiến hành các nghi thức: Lễ cô dâu chú rể đi xúc cá, Lễ đi lao động (làm rẫy). Đây được xem là các hoạt động lao động đầu tiên của cô dâu khi về nhà chồng. Tiếp đến là các nghi thức Lễ đạp tro, Lễ lại mặt nhà trai và nhà gái.
Lễ cưới nhà gái: Thường được tiến hành song song với lễ cưới ở nhà trai. Các món ăn chuẩn bị cho đám cưới, các nghi thức cúng tương tự như nhà trai.
Việc nghiên cứu phong tục đám cưới truyền thống của người Bana nói chung và Bana K’riêm vùng Vĩnh Thạnh nói riêng giúp chúng ta có một cái nhìn tổng quan và sâu sắc về một giá trị truyền thống của cộng đồng người này. Qua đó, góp phần bảo lưu và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số ở tỉnh ta.