Hiện nay, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết ở các huyện miền núi của tỉnh đang báo động, cần sự chung tay vào cuộc của nhiều cơ quan, các cấp chính quyền.
“Điểm nóng” Vĩnh Thạnh
Lẽ ra còn được đến trường, vui chơi với bạn bè cùng lứa, nhưng mới học lớp 8, Đ.T.M (làng K2, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh) đã bỏ ngang chuyện học hành. 16 tuổi, M. lấy chồng, sinh con. Cả hai vợ chồng đều không có việc làm. Hằng ngày chồng đi làm thuê làm mướn, M. ở nhà chăm con. Không có tiền lo cho con, ăn uống thiếu thốn, cả hai mẹ con hay ốm đau. M. cười buồn: “Thấy bạn bè cùng lứa học lên cao, còn mình thì ở nhà, cuộc sống khó khăn, nghĩ lại thấy tiếc”.
Tương tự, học chưa hết lớp 7, nghe theo tiếng gọi tình yêu, Đ.T.Ư (làng Suối Đá, xã Vĩnh Sơn) bỏ ngang lấy chồng. Giờ ở tuổi 22, Ư. đã có 3 đứa con. Còn trường hợp gia đình anh Đ.L (làng K4, Vĩnh Sơn) cũng chẳng khá hơn. L. bỏ học từ lớp 8, đến 18 tuổi thì cưới vợ. Đất đai chẳng có mấy, làm thuê làm mướn thì bữa có bữa không, thu nhập chẳng được bao nhiêu. L. thấy tiếc cho tuổi trẻ bồng bột ham chơi của mình. “Lúc ấy cha mẹ ai cũng cản nhưng mình có nghe đâu, giờ nghĩ lại thì muộn rồi”, L. thở dài.
Trên đây chỉ là 3 trong nhiều trường hợp kết hôn trước tuổi quy định ở xã Vĩnh Sơn. Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ riêng năm 2017, huyện Vĩnh Thạnh có đến 29 cặp tảo hôn. Ông Đinh Ngái, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn, cho biết xã có 4 trường hợp tảo hôn, chủ yếu là người dân tộc Bana, độ tuổi kết hôn trung bình từ 14 đến dưới 18 tuổi. Trong khi đó, tại Trường PTDTNT Vĩnh Thạnh, từ năm học 2011-2012 đến 2016-2017, trong số 33 học sinh bỏ học để lập gia đình, có 20 trường hợp là tảo hôn.
Nhiều hệ lụy
Ông Đinh Thao, một người có uy tín ở làng K4, xã Vĩnh Sơn, nói như phân bua: “Ngày trước đàn ông Bana chỉ cưới vợ khi đến 30 tuổi. Muốn cưới vợ, đàn ông phải thạo việc nương rẫy, biết làm ra hạt lúa, củ mì, biết đan cái gùi, làm cái nhà... Đàn bà cưới chồng thì phải biết dệt vải, biết đan cái rổ, biết nấu nướng giặt giũ. Tụi trẻ bây giờ cưới chồng, bắt vợ ở tuổi mười bốn, mười lăm có biết làm cái gì đâu. Nó mà cưới về chỉ khổ người lớn thôi”.
Theo tìm hiểu của PV, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết hiện nay khá phổ biến. Nhà nghèo cũng có, nhà khá giả cũng có. Những hệ luỵ do tảo hôn, hôn nhân cận huyết đã được nói đến rất nhiều. Bác sĩ Nguyễn Thị Lộc, Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Thạnh, phân tích: “Việc kết hôn sớm ảnh hưởng đến thể chất của các em, nhất là các em gái. Khi chưa đủ tuổi trưởng thành, cơ thể chưa phát triển hết, việc quan hệ tình dục sớm, mang bầu, rồi sinh con, nuôi con khiến sự phát triển đầy đủ về thể chất của người phụ nữ bị chậm lại, thoái hóa. Nhiều trường hợp để lại di chứng nặng nề, thậm chí có trường hợp tử vong. Bên cạnh đó, việc nuôi con thiếu hiểu biết cũng như ý thức trách nhiệm chưa có khiến đứa trẻ bị suy dinh dưỡng, còi cọc, dễ mắc bệnh”.
Cùng vào cuộc
Anh Lương Đình Tiên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn, cho biết: “Tỉnh đoàn đã ký kết chương trình phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, trong đó tập trung tuyên truyền, giáo dục thanh niên, nhất là người dân tộc thiểu số về xây dựng nếp sống văn hóa, bài trừ các hủ tục lạc hậu thông qua việc tổ chức các diễn đàn, hội thi”.
Để giảm thiểu và tiến đến xóa bỏ tình trạng trên, UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo và giao các đơn vị liên quan triển khai thực hiện đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020” trên địa bàn tỉnh. Theo ông Trần Quốc Lại, Phó Ban chỉ đạo, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, qua thực hiện thí điểm tại xã Vĩnh Sơn và Trường PTDTNT huyện Vĩnh Thạnh, đã mang lại những kết quả tích cực. Cụ thể, số trường hợp tảo hôn ở xã Vĩnh Sơn giảm 60% so với năm 2016; Trường PTDTNT huyện Vĩnh Thạnh năm học 2017-2018 chỉ còn 2 học sinh tảo hôn. Từ hiệu quả của mô hình này, sắp tới Ban Dân tộc tỉnh sẽ nhân rộng ra 6 địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trong tỉnh.
Theo Tổng điều tra do Ủy ban Dân tộc Trung ương phối hợp với Tổng cục Thống kê tiến hành, đến năm 2015, tỉnh Bình Ðịnh có hơn 6.370 người tảo hôn, 143 người được xác định là hôn nhân cận huyết. Trong đó, huyện Vĩnh Thạnh là địa phương “nóng” nhất với 1.511 người tảo hôn, 47 người có hôn nhân cận huyết.
|
“Giải pháp căn cơ nhất là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tập trung đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục; đặc biệt là huy động những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để vận động nhân dân thực hiện quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình”.
|
Ông TRẦN QUỐC LẠI, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh