Việt Nam đã cùng với 189 quốc gia trên thế giới ký “Tuyên bố Phát triển Thiên niên kỷ”, gồm 8 Mục tiêu, trong đó có “Mục tiêu về Phát triển bền vững sau năm 2015”. Để thực hiện thành công Mục tiêu này, thì một trong những chỉ tiêu quan trọng là phải bảo vệ và thúc đẩy quyền của phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số.
Vụ Dân tộc thiểu số (Ủy ban Dân tộc) và cơ quan của Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN WOMEN) vừa tiền hành phối hợp rà soát đánh giá, phân tích các chính sách pháp luật liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số từ các quan điểm của chuẩn mực quốc tế về nhân quyền.
Việc rà soát, đánh giá, phân tích được thực hiện trên 5 nhóm vấn đề: Giáo dục, bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ dân tộc thiểu số; y tế; bình đẳng giới trong gia đình; chứng nhận quyền sử dụng đất cho phụ nữ dân tộc thiểu số.
Một số nội dung đáng chú ý từ kết quả nghiên cứu
Thứ nhất, đối với vấn đề giáo dục: Có sự thiệt thòi cho các trẻ em gái trong tiếp cận giáo dục tiểu học. Trẻ em nữ dân tộc thiểu số bỏ học nhiều hơn trẻ em nam ở cấp tiểu học và trung học cơ sở. Phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số có mức độ biết chữ thấp hơn.
Nguyên nhân của tình trạng này là do kết cấu hạ tầng còn nhiều khó khăn ở miền núi, vùng sâu, vùng xa là trở ngại lớn cho các em đến trường; thường xuyên thiếu nước, nhà vệ sinh, điều kiện vệ sinh ở trường học kém trong khi đây lại là những điều hết sức cần thiết với trẻ em gái đến kỳ kinh;nạn tảo hôn buộc trẻ em gái phải bỏ học; hoàn cảnh gia đình nghèo khó cùng quan niệm trẻ em gái phải hi sinh giáo dục vì lợi ích của gia đình; việc tiếp cận giáo dục dựa trên ngôn ngữ mẹ đẻ dành cho các nhóm dân tộc thiểu số bị hạn chế góp phần gia tăng tỷ lệ bỏ học.
Thứ hai, về vấn đề bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ dân tộc thiểu số: trẻ em gái có nguy cơ cao hơn trước bạo lực trên cơ sở giới và hôn nhân trẻ em hoặc hôn nhân ép buộc. Nguyên nhân là do quan niệm truyền thống về sự phụ thuộc của người phụ nữ vẫn còn tồn tại trong nhiều nhóm dân tộc thiểu số. Mặt khác, mặc dù bị cấm trong Hiến pháp, Luật về Bình đẳng giới và Luật Phòng chống bạo lực gia đình, nhưng bạo lực trên cơ sở giới vẫn phổ biến ở nước ta. Hôn nhân trẻ em hoặc hôn nhân bị ép buộc vẫn được tiến hành phổ biến ở vùng dân tộc thiểu số (theo kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2015, tỷ lệ tảo hôn vùng dân tộc thiểu số nước ta là 26,6% - PV). Phụ nữ dân tộc thiểu số không nhận thức được các quyền của mình và hệ thống bảo vệ họ trước bạo lực giới.
Thứ ba, về vấn đề chăm sóc y tế: Nhìn chung, các trạm xá cấp xã và mạng lưới y tế làng hạn chế về năng lực trong đáp ứng nhu cầu của phụ nữ dân tộc thiểu số, tỷ lệ tử vong bà mẹ vẫn cao trong vùng nông thôn, miền núi và trong phụ nữ dân tộc thiểu số. Nghiên cứu chỉ ra ở Việt Nam chỉ có 33% phụ nữ dân tộc thiểu số có bầu đi khám thai bốn lần hoặc hơn trong giai đoạn 2013 - 2014 trong khi tỷ lệ này ở người Kinh, Hoa là 82%; chỉ có 67% phụ nữ dân tộc thiểu số sinh con tại cơ sở y tế so với 99% đối với phụ nữ dân tộc Kinh, Hoa.
Thứ tư, về vấn đề bình đẳng giới trong gia đình: Đã có những chỉ dấu cho thấy sự tiến bộ trong lĩnh vực này, tuy nhiên không đồng đều trong các nhóm dân số ở Việt Nam. Nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số không được hưởng lợi từ những biện pháp bảo vệ tư pháp trước bất bình đẳng và phân biệt đối xử giới dù vấn đề này đã được ghi nhận trong Hiến pháp, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình, Bộ luật Dân sự. Điều này một phần là do những định kiến, hành vi xã hội đưa người phụ nữ vào vị trí phụ thuộc trong gia đình. Đàn ông được coi là chủ nhà và là người ra quyết định chính nên người phụ nữ không được tiếp cận bình đẳng các nguồn lực và không có vị trí bình đẳng trong gia đình và xã hội.
Thứ năm, về vấn đề chứng nhận quyền sử dụng đất: Theo nghiên cứu, Hiến pháp công nhận quyền sử dụng đất cho mọi công dân, không phân biệt giới. Điều 98, Luật Đất đai 2013 quy định chứng nhận quyền sử dụng đất cần cấp cho cả chồng và vợ. Điều khoản này nhằm đảm bảo bình đẳng giới trong việc tiếp cận các nguồn lực xã hội như nhau và người phụ nữ có quyền bình đẳng với đất đai. Trên thực tế, quyền này chưa được thực thi đầy đủ. Mặc dù có tên trong chứng nhận sử dụng đất nhưng nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số vẫn gặp phải những rào cản hưởng các quyền theo luật định của mình, đó là: Không được tiếp cận tư pháp để khẳng định quyền sử dụng đất bao gồm cả việc thiếu nhận thức về quyền hợp pháp của người phụ nữ có tên trong chứng nhận sử dụng đất; giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở…
Không để phụ nữ và trẻ em gái DTTS bị bỏ lại phía sau
Tháng 9 năm 2000, Việt Nam, cùng với 189 quốc gia trên thế giới đã ký “Tuyên bố Phát triển Thiên niên kỷ”, với 8 mục tiêu, thể hiện cam kết trong việc tham gia hợp tác toàn cầu về xóa đói giảm nghèo, phát triển và bảo vệ môi trường, hoàn thành vào năm 2015. Trên bình diện quốc gia, Việt Nam thực hiện được hầu hết các Mục tiêu Thiên niên kỷ nhưng khi xem xét cụ thể về chất lượng hoàn thành các Mục tiêu Thiên niên kỷ đối với các địa bàn và các dân tộc cho thấy Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức để có thể hoàn thành các Mục tiêu Thiên niên kỷ đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Kết quả đạt được của một số Mục tiêu Thiên niên kỷ đối với các dân tộc thiểu số đang còn cách xa so với mặt bằng chung của cả nước, cụ thể: năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo chung cả nước là 9,9%, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số 48,7%; tỷ lệ 10 tuổi trở lên biết chữ chung cả nước 94,8%, đồng bào dân tộc thiểu số 83,8%; tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng/tuổi (dưới 5 tuổi)tỷ lệ chung cả nước là 15,3%, dân tộc thiểu số là 22%; tỷ suất tử vong mẹ trong 100.000 ca đẻ sống chung cả nước là 64, dân tộc thiểu số là 119; tỷ lệ hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh chung cả nước là 70,8%, dân tộc thiểu số là22%.
Như vậy, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số cao hơn gấp 4 lần so với tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dân tộc thiểu số dưới 5 tuổi; tỷ suất chết mẹ người dân tộc thiểu số trong 100.000 ca đẻ sống còn cao hơn gấp 1,5 lần so với trung bình quốc gia; khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản như điện, nước sạch, vệ sinh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế. Nếu không có nỗ lực vượt bậc, Việt Nam không thể đạt được các Mục tiêu Thiên niên kỷ cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong tương lai.
Ngày 10/9/2015,Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1557/QĐ-TTg phê duyệt một số chỉ tiêu thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số, thể hiện quyết tâm thực hiện các mục tiêu chưa được hoàn thành và hướng tới “Mục tiêu Phát triển Bền vững sau năm 2015”. Với Quyết định này, một lần nữa thể hiện sự quyết tâm cao độ cũng như cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện thành công các mục tiêu Thiên niên kỷ và mở ra một mức độ kỳ vọng mới và quan trọng là sự cam kết “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Kết quả Điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số tính đến 01/7/2015 cho thấy tỷ lệ nữ chiếm 49,7% tổng số người dân tộc thiểu số. Như vậy, nếu thực hiện tốt các chính sách đối với nhóm phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số sẽ có tác động tích cực đến khả năng thực hiện thành công các Mục tiêu Thiên niên kỷ ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Để thực hiện được cam kết “Không để ai bị bỏ lại phía sau” và với số lượng chiếm xấp xỉ 50% tổng số người dân tộc thiểu số thì trẻ em gái và phụ nữ phải được tạo điều kiện để phát triển. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, phụ nữ và trẻ em gái thuộc các nhóm dân tộc thiểu số, chủng tộc hoặc tín ngưỡng (nhóm dễ bị tổn thương dưới cái bóng văn hóa và chuẩn mực xã hội) thường ít được tiếp cận hơn tới giáo dục, nguồn lực, việc làm và dịch vụ y tế. Việt Nam cũng không phải là trường hợp ngoại lệ.
Bà Nguyễn Thị Tư, Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số - Ủy ban Dân tộc nhấn mạnh: Hiện nay, các cơ quan tham mưu hoạch định chính sách còn thiếu các số liệu tách biệt theo giới để phân tích, đánh giá để có khuyến nghị tốt hơn cho việc xây dựng chính sách và luật pháp liên quan tới phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số. Trước mắt, các kết quả nghiên cứu sẽ được sử dụng trong các khóa tập huấn nâng cao năng lực về giới và hoạch định chính sách, pháp luật dựa trên quyền cho những cán bộ hoạch định chính sách chủ chốt của Ủy ban Dân tộc, các bộ, ngành có liên quan, các cán bộ cơ quan chính quyền cấp tỉnh và các tổ chức xã hội dân sự. Các đối tượng này sẽ được phổ biến những kiến thức và hiểu biết cần thiết, để có thể đóng góp cho dự thảo Kế hoạch hành động về bình đẳng giới của ngành công tác dân tộc giai đoạn 2016 - 2020 hoặc các biện pháp can thiệp khác nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền của phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số, góp phần thực hiện thành công “Mục tiêu Phát triển bền vững sau năm 2015” mà Việt Nam đã ký kết./.