Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 và đề xuất nội dung, giải pháp giai đoạn 2026 - 2030
Ngày 9-11, tại TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai, đồng chí Nguyễn Hòa Bình-Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) đã chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025 khu vực miền Trung-Tây Nguyên và đề xuất nội dung chương trình giai đoạn 2026-2030.
Đồng chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Đỗ Văn Chiến-Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Y Thanh Hà Niê Kđăm-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Hầu A Lềnh-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG; Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo UBND các tỉnh và các sở, ban, ngành của 16 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung-Tây Nguyên.
Đoàn đại biểu tỉnh Bình Định tham dự Hội nghị do đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh-Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG làm trưởng đoàn; cùng các thành viên là đại diện Ban Dân tộc, các sở Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động – Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện An Lão.
Các đồng chí chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình MTQG
Sau gần 4 năm triển khai thực hiện, Chương trình đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Giai đoạn 2021-2024, Chính phủ đã phân bổ cho khu vực miền Trung-Tây Nguyên hơn 21.386 tỷ đồng, chiếm khoảng 31,09% tổng vốn của cả chương trình. Đến tháng 9-2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư của chương trình đạt 74,3%, cao hơn gần 1,3 lần so với tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư chung của cả nước. Ninh Thuận, Khánh Hòa, Bình Định là 3/16 tỉnh có kết quả giải ngân tốt nhất, lần lượt là: 76,5%; 76,3%; 69,5%; các tỉnh có tỷ lệ giải ngân thấp nhất là: Quảng Ngãi 49,2%; Đắk Lắk 51,9%; Quảng Bình 53,3%.
Đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh-Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tham gia ý kiến tại Hội nghị
Tham gia ý kiến tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh-Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh báo cáo kết quả thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh: Tổng nguồn vốn được phân bổ cho Chương trình từ năm 2022 đến 2024: 782.335 triệu đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương 691.781 triệu đồng; ngân sách tỉnh 90.554 triệu đồng. Tiến độ giải ngân đến 30/9/2024: Vốn đầu tư đạt 82,3%; vốn sự nghiệp đạt 49,4%. Đã thực hiện hỗ trợ xây nhà ở cho 568 hộ nghèo; 3 công trình nước sinh hoạt tập trung; 5 khu quy hoạch sắp xếp, bố trí ổn định dân cư tập trung với quy mô khoảng 287 hộ; đầu tư xây dựng 149 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sinh hoạt, sản xuất; Hỗ trợ xây dựng 10 công trình trường học của các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú; hỗ trợ xây dựng 27 công trình văn hóa. Phê duyệt và triển khai thực hiện 123 dự án, phương án, kế hoạch PTSX theo các hình thức liên kết chuỗi giá trị, cộng đồng với 2.275 hộ dân tham gia dự án; Hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 955 hộ, Hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 382 hộ; thực hiện giao khoán bảo vệ rừng với tổng diện tích hơn 74.093 ha: khoán bảo vệ rừng hơn 73.372 ha (khoán chuyển tiếp: 64.309 ha và khoán mới: 9.063 ha) và hỗ trợ bảo vệ rừng sản xuất là rừng tự nhiên được giao cho cộng đồng hơn 720 ha khôi phục. Tổ chức nhiều phiên Hội chợ triển lãm, Diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, lập nghiệp thanh niên DTTS và miền núi và kết nối tiêu thụ sản phẩm; Hỗ trợ thiết kế bao bì, nhãn mác, quảng cáo, xây dựng thương hiệu sản phẩm cho hộ kinh doanh; Tổ chức hơn 50 lớp đào tạo nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp; bảo tồn lễ hội truyền thống của đồng bào Chăm H’roi, Bana Kriêm, H’re…
Nhìn chung, việc triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đời sống bà con ngày càng được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo giảm hơn 4%/năm so với chỉ tiêu là giảm 3% - 4%/năm. Có 01 xã đặc biệt khó khăn hoàn thành nông thôn mới trở thành xã khu vực I và 01 xã đặc biệt khó khăn dự kiến được công nhận vào cuối năm 2024; dự kiến năm 2025 có 04 xã, thị trấn thoát khỏi diện ĐBKK, trong đó có 3 xã hoàn thành nông thôn mới.
Bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế trong quá trình thực hiện, đó là: kết quả thực hiện chương trình ở một số địa phương chưa như kỳ vọng; một số nội dung, tiểu dự án, dự án vẫn còn lúng túng trong việc áp dụng các quy định, hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương, dẫn đến triển khai chậm và tỷ lệ giải ngân đạt thấp. Từ đó, tỉnh đã đề xuất một số giải pháp trong giai đoạn II: Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần xây dựng hướng dẫn hoặc có cơ chế ưu tiên cụ thể để huy động và phân bổ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) nhằm tăng thêm nguồn vốn đầu tư cho chương trình. Mở rộng đối tượng thụ hưởng Chương trình (hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và một số người dân sinh sống tại vùng ĐBKK,…). Một số dự án, các tiểu dự án và nội dung thành phần của 3 Chương trình MTQG trùng nhau, do đó đề nghị điều chỉnh giảm lại số lượng dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần và xem xét để lồng ghép, sắp xếp giữa 3 Chương trình MTQG cho phù hợp, dễ triển khai thực hiện. Đồng thời, cần có chính sách ưu đãi đặc thù để vận động, thu hút các đối tác, nhà đầu tư, doanh nghiệp trọng điểm đầu tư vào vùng đồng bào DTTS và miền núi, cũng như đào tạo, sử dụng lao động là người DTTS…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao những kết quả tích cực và sự tiến bộ nhất định về các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, kết quả giải ngân các nguồn vốn của Chương trình tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, đề nghị cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình, hoàn thành các mục tiêu Quốc hội đã giao trong giai đoạn I cũng như rút ra được các bài học kinh nghiệm cho Chương trình giai đoạn 2026 - 2030. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh: Hội nghị cần đánh giá kết quả cụ thể trong thực hiện từng dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần; trong đó chỉ rõ các nội dung còn chậm hoặc vướng mắc trong thực tiễn triển khai; đánh giá kết quả giải ngân các nguồn vốn thực hiện Chương trình và cam kết tỷ lệ giải ngân năm 2024 và cả giai đoạn 2021 - 2025; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình. Về đề xuất nội dung Chương trình giai đoạn II, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị thông qua Hội nghị, cần xây dựng đề xuất các mục tiêu tổng quát và các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể của Chương trình; dự kiến về cơ cấu, nội dung các dự án thành phần và nguồn vốn của Chương trình; đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện Chương trình…
MỘT SỐ HÌNH ẢNH HỘI NGHI
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị