Ngày 28-29/6/2024 tại Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện Vĩnh Thạnh, UBND huyện Vĩnh Thạnh đã tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Vĩnh Thạnh lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững!”, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Vĩnh Thạnh lần thứ IV - năm 2024 khẳng định đường lối nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề dân tộc và đại đoàn kết dân tộc, đồng thời ghi nhận đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc thiểu số huyện nhà trong công tác xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, thực hiện chính sách dân tộc, đảm bảo an ninh, quốc phòng, góp phần đưa huyện nhà đổi mới và phát triển.
Đại hội có nhiệm vụ đánh giá kết quả thực hiện Quyết tâm thư Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ III - năm 2019, việc thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc trên địa bàn huyện từ năm 2019 đến nay, đồng thời đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công tác dân tộc và các chính sách dân tộc trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh đến năm 2029.
Tham dự Đại hội với 150 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 16.550 đồng bào DTTS trên toàn huyện về dự Đại hội và 45 đại biểu khách mời. Đại diện Ban Chỉ đạo Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định lần thứ IV - năm 2024 có ông Nguyễn Tuấn Thanh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh về dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh về dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội
Đại hội đã bầu Đoàn Chủ tịch gồm 07 người để điều hành Đại hội và Đoàn Thư ký gồm 02 người để ghi chép lại diễn biến Đại hội. Đoàn Chủ tịch đã thông qua Báo cáo chính trị tại Đại hội nhằm đánh giá kết quả thực hiện Quyết tâm thư Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ III năm 2019, các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc trên địa bàn huyện từ năm 2019 đến nay. Đồng thời đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công tác dân tộc và các chính sách dân tộc đến năm 2029 trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh.
1. Kết quả đạt được:
Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc, trong giai đoạn 2019-2024, các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số được các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện phù hợp với thực tế. Huyện ủy đã ban hành nhiều chủ trương, chương trình, nghị quyết để lãnh đạo, chỉ đạo về công tác dân tộc, thực hiện đúng, đủ các chế độ chính sách cho Nhân dân và đồng bào dân tộc thiểu số.
HĐND huyện đã ban hành nhiều Nghị quyết, quyết nghị những vấn đề quan trọng của địa phương, nhất là việc tập trung nguồn lực lồng ghép các chương trình, chính sách trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội tại địa phương và vùng đồng bào dân tộc thiểu số đảm bảo đúng pháp luật, đúng mục tiêu và hiệu quả cao.
Thực hiện Quyết tâm thư Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện lần thứ III năm 2019 và các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, đề án, chính sách của Trung ương, của tỉnh đầu tư, hỗ trợ cho vùng đặc biệt khó khăn, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo các phòng, ban, ngành tham mưu xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách được thụ hưởng.
Trong 5 năm (2019 - 2024), tổng giá trị sản phẩm bình quân hàng năm tăng 10,87%; tỷ trọng nông - lâm nghiệp và thủy sản chiếm 23,99%; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp 52,09%; thương mại - dịch vụ chiếm 23,92%; thu nhập bình quân đầu người 39,444 triệu đồng/năm; sản lượng lương thực có hạt 14.524,6 tấn; lương thực bình quân đầu người 483kg/năm;tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 10,77%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 96,4%; tỷ lệ trường học công lập đạt chuẩn Quốc gia 53,84%; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 7,61%; giải quyết việc làm mới 2.218 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo và bồi dưỡng nghề đạt 51,79%; tỷ lệ xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới 12,5%; tỷ lệ khu phố, thôn, làng công nhận danh hiệu văn hóa đạt 100%; tỷ lệ dân số sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 100%; tỷ lệ hộ dùng điện sinh hoạt đạt 100%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 77,4%.…
100% xã có đường bê tông đến trung tâm cụm xã; hệ thống thủy lợi phục vụ tưới trên 95% diện tích sản xuất lúa nước, trong đó diện tích lúa nước tưới bằng công trình thủy lợi kiên cố hóa đạt 63%; hệ thống trường, lớp được xây dựng kiên cố, trang thiết bị dạy và học được đầu tư cơ bản; 100% xã được đầu tư, nâng cấp trạm y tế; 100% hộ dân được sử dụng điện sinh hoạt. Bên cạnh việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế, việc nâng cao đời sống văn hóa cũng được quan tâm 5/5 xã khu vực III thuộc vùng đồng bào DTTS&MN có Nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng xã; 31/31 thôn đặc biệt khó khăn có Nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng thôn; 100% xã có đài truyền thanh.
Tính đến cuối năm 2023, toàn huyện còn 2.134 hộ nghèo (giảm 1.616 hộ nghèo so với cuối năm 2019), chiếm 20,95% (giảm 17,04% so với cuối năm 2019). Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm 7,61%; giải quyết xóa 278 nhà ở dột nát; tổ chức 34 lớp đào tạo nghề cho 1.152 lao động nông thôn (dân tộc thiểu số 346 người), tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 51,79%; giới thiệu, xuất khẩu lao động có thời hạn 62 người (dân tộc thiểu số 1 người); toàn huyện có 01 đơn vị (xã Vĩnh Quang) đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 12,5%, các địa phương còn lại như xã Vĩnh Hảo cơ bản đạt 15 tiêu chí, xã Vĩnh Hiệp đạt 13 tiêu chí, xã Vĩnh Thịnh đạt 9 tiêu chí, xã Vĩnh Hòa đạt 9 tiêu chí, xã Vĩnh Thuận đạt 7 tiêu chí, xã Vĩnh Sơn đạt 6 tiêu chí, xã Vĩnh Kim đạt 5 tiêu chí.
Bộ máy chính quyền từ huyện đến cơ sở luôn được kiện toàn; hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành được nâng cao, công tác cải cách hành chính được tăng cường. Chất lượng hoạt động của HĐND các cấp được nâng lên, công tác giám sát và giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân thực hiện kịp thời, đúng pháp luật.
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội luôn được kiện toàn, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phát huy vai trò giám sát và phản biện trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.
Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được mở rộng, “Phong trào 3 không về an ninh trật tự” triển khai trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đẩy mạnh; các biện pháp kiềm chế tai nạn giao thông, phòng chống tội phạm luôn được quan tâm chỉ đạo. Công tác phối hợp tổ chức tấn công trấn áp tội phạm giữa các ngành, các địa phương được triển khai chặt chẽ; an ninh chính trị, an ninh tuyến núi, an ninh vùng giáp ranh và trật tự an toàn xã hội luôn ổn định.
2.Khó khăn
Cơ cấu kinh tế tuy đã chuyển dịch theo hướng tích cực, tốc độ phát triển kinh tế đạt khá nhưng chưa bền vững; kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số tuy có bước phát triển nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, chủ yếu sản xuất nông nghiệp, năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi còn thấp, giá thành sản xuất cao, tính cạnh tranh thấp. Thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn.
Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số cao, chiếm 61,19% so với tỷ lệ hộ nghèo của cả huyện (1.306/2.134); giảm nghèo chưa bền vững, khả năng tái nghèo cao; mức thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số tuy đã được cải thiện và nâng lên qua từng năm nhưng mức sống,mức thụ hưởng các dịch vụ xã hội vẫn còn thấp.
Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được quan tâm nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa tuy được nâng lên nhưng vẫn còn thấp.
3. Mục tiêu tổng quát
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở về vấn đề dân tộc và đại đoàn kết các dân tộc; phát huy truyền thống và sức mạnh đoàn kết của đồng bào các dân tộc thiểu số, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng hoàn chỉnh, chuẩn hóa; tập trung thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên cơ sở khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương. Phát triển toàn diện văn hóa - xã hội; giảm nghèo nhanh và bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số. Nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số. Xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
4. Mục tiêu cụ thể
Tiếp tục rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi diện tích đất trồng lúa, cây hàng năm kém hiệu quả sang trồng cây thức ăn gia súc, cây ăn quả có giá trị cao, cây công nghiệp dài ngày. Ổn định sản lượng lương thực đến năm 2029 đạt 16.027,5 tấn/năm. Đến năm 2029, tỷ lệ nghèo đa chiều trên địa bàn huyện giảm xuống dưới 5%; thu nhập bình quân đầu người đồng bào dân tộc thiểu số đạt 2/3 mức bình quân thu nhập của toàn huyện; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm xuống dưới 10%; 100% khu phố, thôn, làng và 90% hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đạt danh hiệu văn hóa hàng năm; tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng nước hợp vệ sinh 100%; tỷ lệ dùng điện sinh hoạt 100%; 100% hộ đồng bào dân tộc thiểu số được giao khoán bảo vệ rừng; 100% thôn, làng, khu phố đồng bào dân tộc thiểu số có hội đoàn thể và có tổ chức Đảng; có 5 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, có 1 xã hoàn thành nông thôn mới nâng cao.
Đại hội đã thống nhất bầu ra 56 đại biểu chính thức đi dự Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Bình Định lần thứ IV - năm 2024. Đồng thời, thông qua Quyết định khen thưởng của Chủ tịch UBND huyện đối với 10 tập thể và 16 cá nhân tiêu biểu, xuất sắc tại đại hội và thông qua Quyết tâm thư Đại hội./.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH ĐẠI HỘI
Trưng bày sản phẩm địa phương
Các tiết mục văn nghệ chào mừng Đại hội