NDĐT - Sáng 3-1, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc đã tổ chức Hội thảo quốc gia “Thực trạng chính sách dân tộc, định hướng xây dựng chính sách giai đoạn 2021-2030”, đánh giá những kết quả đạt và chưa đạt trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, đồng thời định hướng chính sách dân tộc thời gian tới.
Đồng chủ trì Hội thảo có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, phát triển vùng dân tộc thiểu số, miền núi, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và phát triển bền vững.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu khai mạc Hội thảo.
Với tinh thần trên, hệ thống chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển về kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số không ngừng được hoàn thiện, từ năm 2016, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 41 văn bản đề cập việc ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có 15 đề án và chính sách dân tộc.
Tính đến nay, Việt Nam có 54 chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số ít người và vùng miền núi còn hiệu lực. Thông qua việc thực hiện các chính sách hỗ trợ, vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt được những kết quả quan trọng: Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội ngày càng phát triển (100% xã có đường ô-tô đến trung tâm, 99% trung tâm xã và 80% thôn có điện, hơn 50% xã có trạm y tế đạt chuẩn); tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, từ 2016-2018 giảm 3,5%/năm.
Tại Hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cũng đề cập khái quát kết quả đạt được trong việc thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2016-2018: đạt kế hoạch Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; bước đầu thành công thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới; công tác chăm sóc sức khỏe vùng dân tộc thiểu số có nhiều tiến bộ; chú trọng bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số; cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng,…
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội thảo.
Tuy đạt được một số kết quả đáng trân trọng nhưng tình trạng thiếu việc làm, đói nghèo, thiên tai, bệnh tật vẫn đang là thách thức lớn. Tỷ lệ dân tộc thiểu số chiếm 14,6% nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm 52,7% - hơn một nửa số hộ nghèo cả nước; 21% người dân tộc thiểu số trên 15 tuổi chưa đọc, viết thành thạo tiếng Việt; hơn 54 nghìn hộ thiếu đất sản xuất và hơn 58 nghìn hộ thiếu đất ở, chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa tuy đã được nâng lên nhưng so với mặt bằng chung vẫn còn thấp, mức độ tiếp cận các dịch vụ xã hội còn nhiều khó khăn,…
Ngoài ra, với 15 năm làm công tác hoạch định chính sách dân tộc ở T.Ư, ông K’sor Phước, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng nêu ra những hạn chế còn tồn tại, như: chồng chéo khi thực hiện chính sách và xây dựng cơ sở hạ tầng; khi đi khảo sát thực tế, phát hiện có đến năm nhà thầu cùng thực hiện dự án nước sạch cho một xã…
Tại hội thảo, các vị đại biểu, nhà tài trợ và đối tác phát triển đã cùng nhau thảo luận để đưa ra hướng đi cho chính sách phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi đến năm 2030 cùng thông điệp của Liên hợp quốc “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Ông Đỗ Văn Chiến cho biết, mục tiêu chung của các chính sách là đến năm 2030 thu hẹp một bước chênh lệch giữa vùng dân tộc thiểu số và miền núi so với vùng phát triển; không còn huyện đặc biệt khó khăn, giảm 50% số xã đặc biệt khó khăn, giảm 60% hộ nghèo dân tộc thiểu số hiện nay; 100% các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi có đủ hạ tầng thiết yếu như đường ô-tô cứng hóa đến trung tâm xã, trường học các cấp được kiên cố hóa, 100% trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia, nâng cao chất lượng tiếp cận các dịch vụ phúc lợi cơ bản của người dân; không còn tình trạng hộ dân tộc thiểu số nghèo cùng cực; không còn hộ dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt mà chưa được hỗ trợ.
Ngoài ra, các vị đại biểu, nhà tài trợ, đối tác còn thảo luận việc tập trung phát triển, khoanh vùng địa lý và khu trú các nhóm đối tượng một cách rõ ràng và cụ thể, can thiệp về mặt chính sách một cách phù hợp và hiệu quả theo vùng và theo nhóm đối tượng; tập trung nguồn nhân lực lấy thôn bản làm trung tâm để tập trung hỗ trợ mạnh các địa bàn khó khăn vùng dân tộc thiểu số; chú trọng hỗ trợ việc làm (bao gồm đi làm ăn xa ngoài địa phương) đối với đồng bào dân tộc thiểu số; cần có các chính sách phát triển nguồn nhân lực và chính sách riêng cho thanh niên dân tộc thiểu số, chú trọng nâng cao kỹ năng sống và hội nhập cho các cháu học sinh.