Ngày 24/9, tại Hà Nội, Hội đồng Dân tộc (HĐDT)của Quốc hội tổ chức Phiên họp thẩm tra tình hình kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách và thực hiện chính sách dân tộc, miền núi (giai đoạn 2016-2018). Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐDT Hà Ngọc Chiến và Phó Chủ tịch HĐDT Nguyễn Lâm Thành chủ trì Phiên họp. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải tham dự Phiên họp. Tham dự phiên họp có lãnh đạo các bộ, ngành; các đại biểu Quốc hội…
Vùng đồng bào DTTS, miền núi còn rất nhiều khó khăn
Báo cáo của Chính phủ đánh giá 3 năm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế- xã hội vùng DTTS, miền núi 2016-2018 do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Đỗ Văn Chiến thừa lệnh Chính phủ ký và trình bày tại Phiên họp cho thấy: Giai đoạn 2016-2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã dành sự quan tâm đặc biệt, ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiều chính sách dân tộc, hỗ trợ phát triển toàn diện vùng DTTS, miền núi. Sau quá trình đầu tư hỗ trợ phát triển toàn diện vùng DTTS và miền núi đã đạt được kết quả quan trọng. Hộ nghèo ở các huyện 30a, các xã đặc biệt khó khăn giảm từ 3-4% /năm, có nơi giảm trên 5%. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt...
Tuy nhiên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT cho biết: quá trình triển khai thực hiện còn một số bất cập, hạn chế, như: vẫn còn tình trạng nhiều đầu mối tham mưu, hướng dẫn, quản lý, thực hiện chính sách dân tộc. Ngân sách Trung ương bố trí vốn thực hiện chính sách dân tộc còn thấp. Mặt khác chính sách dân tộc thường ban hành theo nhiệm kỳ do vậy giữa 2 nhiệm kỳ còn “khoảng trống” chính sách. Bên cạnh đó, một số vấn đề bức xúc đặt ra trong thực tiễn như: Di cư tự phát, thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt... Tỷ lệ hộ nghèo DTTS cao, dân số chiếm 14,6% dân số toàn quốc nhưng hộ nghèo DTTS chiếm 52,7%, nhiều nơi xóa nghèo theo kiểu “phong trào”, thiếu tính bền vững. Chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa ở vùng DTTS và miền núi còn thấp, nhiều bất cập; mức hưởng thụ của đồng bào DTTS so với các vùng phát triển ngày càng chênh lệch. Tỷ lệ cán bộ DTTS chưa đạt yêu cầu...
Về kiến nghị công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc thời gian tới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến đề nghị: Tiếp tục nghiên cứu đổi mới chính sách đối với đồng bào dân tộc và tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách đã được ban hành. Rà soát, cân đối, ưu tiên bố trí đủ nguồn lực thực hiện chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, miền núi đang có hiệu lực, đặc biệt, chú trọng tới chính sách đối với đồng bào dân tộc rất ít người; trước mắt bố trí vốn từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương, nguồn dự phòng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, trình Quốc hội xem xét quyết định tại kỳ họp 6. Từ nay đến năm 2020, bảo đảm bố trí đủ kinh phí thực hiện chính sách đối với vùng DTTS và miền núi bằng các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, vốn vay ODA và xã hội hóa. Rà soát, đánh giá, nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí phân định miền núi, vùng cao và phân định vùng DTTS, miền núi theo trình độ phát triển bảo đảm khách quan, khoa học, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, hoàn thành trước năm 2020, làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách và phân bổ nguồn lực đầu tư công bằng, chính xác và phát huy hiệu quả cho giai đoạn 2021-2026. Đề nghị Quốc hội xem xét, ưu tiên phân bổ đủ ngân sách thực hiện các chính sách dân tộc đã ban hành...
Cần có sự thay đổi đột phá trong thực hiện chính sách dân tộc
Tại Phiên họp, lãnh đạo các bộ, ngành đồng thuận với báo cáo của Chính phủ; đồng thời báo cáo đánh giá, giải trình thêm về kết quả thực hiện chính sách dân tộc thuộc lĩnh vực bộ, ngành quản lý. Lãnh đạo các bộ, ngành cũng kiến nghị về những giải pháp cụ thể thực hiện chính sách dân tộc trong thời gian tới. Đặc biệt là rà soát lại toàn bộ chính sách để sửa đổi chính sách cho phù hợp; cân đối nguồn lực thực hiện chính sách dân tộc; tinh gọn đầu mối quản lý chính sách...
Thảo luận tại Phiên họp, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao báo cáo của Chính phủ và cho rằng báo cáo được chuẩn bị công phu, đánh giá sâu sắc, toàn diện nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực công tác dân tộc. Các đại biểu cho rằng, những năm qua, hệ thống chính sách đã đi vào cuộc sống, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cần có giải pháp cụ thể, hiệu quả hơn. Làm rõ tại sao việc ban hành hệ thống chính sách toàn diện, bao phủ hầu hết các lĩnh vực nhưng chưa đạt hiệu quả như mong muốn; nguyên nhân việc ban hành chính sách nhưng không cân đối được nguồn lực.
Các đại biểu đề nghị cần đánh giá cụ thể, toàn diện hơn nữa đối với từng chính sách thuộc trách nhiệm quản lý của từng bộ, ngành; xem xét tích hợp, cắt bỏ những chính sách không phát huy hiệu quả; quan tâm hơn nữa đến phát triển giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, cán bộ DTTS; đào tạo nghề, giải quyết việc làm; tăng cường giữ gìn an ninh, trật tự vùng DTTS, miền núi; phân tích rõ hơn ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với sản xuất, đời sống của đồng bào DTTS; quan tâm đến giao thông vùng DTTS, miền núi; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách bảo vệ và phát triển rừng cho phù hợp; tăng cường chính sách giữ gìn tiếng nói, chữ viết của đồng bào DTTS; đánh giá thực chất hơn về công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, vay vốn tín dụng chính sách…
Kết luận Phiên họp, Chủ tịch HĐDT Hà Ngọc Chiến khẳng định: Chính sách dân tộc luôn là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. HĐDT đánh giá cao các ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu tại Phiên họp. Chủ tịch HĐDT Hà Ngọc Chiến đề nghị, giai đoạn tới cần có sự thay đổi đột phá trong thực hiện chính sách dân tộc, đưa ra những định hướng chiến lược trong giai đoạn tới, nhằm phát triển bền vững vùng DTTS, miền núi. Yêu cầu, các cơ quan, các bộ, ngành tiếp tục bổ sung, hoàn thiện báo cáo, đánh giá toàn diện cụ thể các chính sách dân tộc, có phân tích số liệu, so sánh với giai đoạn trước làm luận cứ trình Quốc hội tại kỳ họp sắp tới. Tới đây, cần phân định vùng DTTS, miền núi một cách rõ ràng, chính xác, phản ánh đúng trình độ phát triển của từng vùng để xây dựng chính sách dân tộc phù hợp, phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Đề nghị xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ vùng DTTS, miền núi…