Những năm qua, huyện Vân Canh đã thực hiện nhiều giải pháp bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, góp phần xóa bỏ dần các hủ tục lạc hậu, khơi dậy nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào.
Hàng năm, huyện tổ chức, tham gia nhiều chương trình văn hóa, văn nghệ vào các dịp lễ hội của huyện, trong tỉnh và đặc biệt là thường xuyên kết nối với huyện giáp ranh Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, tạo điều kiện cho bà con được giao lưu, học hỏi.
Ông Trần Kim Vũ, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Cuối năm 2018, Ban Dân tộc tỉnh hỗ trợ cồng chiêng cho 100% làng đồng bào dân tộc Chăm, Bana trên địa bàn huyện (28 làng). Đây là cơ hội tốt để huyện triển khai các hoạt động phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào.
Ngoài các làn điệu dân ca, dân vũ được giới thiệu thông qua loại hình nghệ thuật sân khấu hóa tại các lễ hội; các loại nhạc cụ, trang phục, trang sức truyền thống của đồng bào Kinh, Chăm, Bana, Thái, Mường… như áo gôm, áo play, kiềng, chăn, đàn goong, đàn K’nhí, trống K’toong, cồng, chiêng và các loại dụng cụ lao động sản xuất, sinh hoạt; phong cách chế biến ẩm thực… cũng đã được lưu ý bảo tồn. Huyện cũng nỗ lực phổ biến rộng rãi lịch sử, văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Vân Canh trên nhiều kênh thông tin như đài, báo từ trung ương đến địa phương.
Nhờ sự động viên của chính quyền và định hướng của ngành văn hóa, đồng bào đã phục hồi, phát huy nhiều lễ hội, nghi thức tâm linh như: Lễ mừng lúa mới, lễ cầu mùa, lễ cúng đổ đầu, cúng heo ký, cúng thần làng, thần núi. Huyện cũng tìm cách duy trì một số nghề thủ công truyền thống như: Dệt vải, đan đát, làm các dụng cụ sinh hoạt gia đình… phục vụ cho lao động sản xuất. Ông Nguyễn Văn Chiều, ở làng Canh Tân, thị trấn Vân Canh, cho biết:Trong cuộc sống của mình, đồng bào Chăm không thể thiếu cồng chiêng. Được Nhà nước tặng một bộ cồng chiêng, làng mình rất quý, có thêm động lực để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Mà không chỉ cồng chiêng, người già cũng đang bàn nhau làm sao để thanh niên biết cách đan cái gùi, cái giỏ, phụ nữ còn giữ được nghề dệt thổ cẩm. Ngay cả những dụng cụ sản xuất cũng phải giữ để sau này con cháu biết cha ông lao động sản xuất ra sao, mình kể mà không có dụng cụ kèm theo, trẻ nó không hiểu được.
Việc cùng nhau giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống đã tăng cường tinh thần đoàn kết, tạo thêm động lực cho cộng đồng các dân tộc. Ông Đoàn Hữu Phước, làng Hà Văn Trên, xã Canh Thuận, cho biết: Bà con làng mình hưởng ứng nếp sống mới rất mạnh; các hủ tục, tập quán lạc hậu trong các việc cưới, việc tang và nhiều tục có tính mê tín đã được xóa bỏ từ rất lâu rồi. Ở làng Hà Văn Trên giờ bà con tự giác giữ gìn vệ sinh môi trường, tường rào, cổng ngõ thẳng thớm, đường làng có trồng hoa, cây cảnh, tạo môi trường xanh, sạch, đẹp.