Nhằm ngày càng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, Hội LHPN huyện An Lão chú trọng tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, tạo điều kiện cho nhiều hội viên cải thiện đời sống.
Hỗ trợ vốn cho hộ nghèo
Trong 3 năm qua, Hội LHPN huyện đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện giải ngân trên 63 tỉ đồng cho 1.847 hộ vay. Tính đến nay, số vốn Hội đang quản lý với tổng dư nợ tại Ngân hàng CSXH trên 95,7 tỉ đồng. Từ các nguồn vốn vay, các hội viên đã có vốn đầu tư vào các mô hình phát triển kinh tế như: May gia công (ở xã An Hòa, thị trấn An Lão), dịch vụ nấu đám tiệc cưới, trồng dâu nuôi tằm (An Hòa), trồng rau sạch (An Tân), nuôi gà thả vườn, nuôi heo đen, bò lai (An Vinh, An Trung, An Nghĩa)...
Chị Nguyễn Thị Tôm, 50 tuổi, ở thôn Hưng Nhơn, thị trấn An Lão, kể: “Gia đình tôi được vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH đầu tư mua 2 con bê cái và trồng 2 ha keo lai. Sau 3 năm, gia đình có được 5 con bò để bán trả bớt nợ. Hiện nay, tôi đã bán lứa keo đầu tiên, thu được trăm triệu đồng và tiếp tục đầu tư trồng 4 ha keo, nuôi thêm chục con bò. Nhờ có nguồn vốn của ngân hàng thông qua kênh Hội LHPN, gia đình tôi vay 70 triệu đồng lo cho hai con học đại học ra trường có việc làm và đã trả hết nợ ngân hàng”.
Từ một hộ nghèo, chị Đinh Thị Điếc, ở thôn 4, xã An Trung, đã thoát nghèo nhờ mạnh dạn vay vốn tạo dựng mô hình phát triển kinh tế tổng hợp: nuôi bò, heo và trồng 2 ha keo, 5 sào ruộng lúa nước. Chị Điếc tâm sự: “Mỗi năm, gia đình tôi thu gần 80 triệu đồng từ chăn nuôi, trồng trọt. Bản thân là Chi hội trưởng Phụ nữ thôn nên tôi luôn nêu gương chịu khó, cần cù làm kinh tế, chi tiêu tiết kiệm, hợp lý. Nhiều lúc gia đình khó khăn nhưng tôi cương quyết không bán lúa non, keo non mà xin vay vốn của ngân hàng để đầu tư, vượt khó”. Nhờ chịu khó làm ăn và chi tiêu tiết kiệm, chị Điếc đã xây dựng được căn nhà cấp 4 khang trang và mua sắm phương tiện, vật dụng sản xuất và sinh hoạt cho gia đình. Hai đứa con của chị đều ngoan ngoãn, học giỏi.
Nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả
Toàn huyện An Lão có 42 tổ phụ nữ góp vốn xoay vòng với số tiền trên 2 tỉ đồng. Phong trào thi đua “Làm theo lời Bác thực hành tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo bền vững” được chị em hưởng ứng tích cực với số tiền huy động trên 1,25 tỉ đồng, tạo nguồn vốn giúp cho 525 chị vay mượn với lãi suất thấp.
Hàng năm, Hội LHPN huyện đề ra kế hoạch mỗi chi hội giúp 1 phụ nữ nghèo làm chủ hộ thoát nghèo, mỗi xã có 2 hộ đạt 8 tiêu chí trong “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, trong đó có tiêu chí “không đói nghèo”. Qua tuyên truyền, vận động và bằng nhiều hình thức giúp đỡ như tiền, vốn, giống, ngày công, hướng dẫn cách làm ăn, cung cấp thông tin, tư vấn hỗ trợ phụ nữ ứng dụng KHKT, tham gia tập huấn kiến thức về chuyển đổi cây trồng…, 3 năm qua, các cơ sở Hội đã giúp 124 phụ nữ nghèo làm chủ hộ thoát nghèo.
Chị Đinh Thị Lý, Chủ tịch Hội LHPN xã An Trung, cho biết: “Hàng năm, Hội đã đề xuất UBND huyện phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Hội LHPN tỉnh, Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện thực hiện công tác đào tạo nghề cho chị em. Nhiều chị em được học may, nấu ăn, chăn nuôi, trồng trọt để có thêm kiến thức khởi nghiệp hoặc vay vốn đầu tư chăn nuôi, trồng trọt”.
Theo báo cáo Hội LHPN huyện An Lão, 3 năm qua, toàn huyện đã mở được 9 lớp dạy nghề may công nghiệp với 431 học viên; 2 lớp nấu ăn với 64 học viên; 1 lớp kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm có 30 học viên...
Chị Nguyễn Thị Yến, Chủ tịch Hội LHPN huyện An Lão, cho biết: “Việc giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Với những cách làm cụ thể và thiết thực, thời gian qua, các hoạt động đã thu hút được đông đảo hội viên phụ nữ tham gia, tạo ra phong trào thi đua hết sức sôi nổi. Thời gian tới, Hội LHPN huyện sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho phụ nữ về tham gia phát triển kinh tế trên nhiều lĩnh vực; tiếp tục lồng ghép các chương trình, dự án để giúp nhau xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc và đưa phong trào của Hội ngày càng phát triển”.