Chương trình 135 - Dấu ấn 20 năm đồng hành với đồng bào DTTS và vùng KT-XH đặc biệt khó khăn
Sáng 28/12, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc (UBDT) tổ chức Hội thảo “Chương trình 135 - Dấu ấn 20 năm đồng hành với đồng bào dân tộc thiểu số và vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn”. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Thông dự và chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có các đồng chí nguyên là Lãnh đạo của UBDT; đại diện các bộ, ban, ngành, Ban Dân tộc một số tỉnh và một số tổ chức quốc tế.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Thông nêu rõ: Suốt 20 năm qua, Chương trình 135 đã nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ trong quản lý, chỉ đạo điều hành của các bộ, ngành; sự đón nhận, ủng hộ của các cấp địa phương và người dân; sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật của nhiều cơ quan Chính phủ và tổ chức quốc tế như: Cơ quan Viện trợ của Chính phủ Ailen, Ngân hàng Thế giới, Cơ quan Viện trợ của Chính phủ Phần Lan, Cơ quan viện trợ Úc, Chương trình phát triển của Liên hợp quốc tại Việt Nam, Liên minh Châu Âu, Tổ chức CARE quốc tế…
20 năm qua, Chương trình 135 đã đạt được nhiều thành tựu, tập trung một số nội dung như: hệ thống cơ sở hạ tầng vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, vùng kinh tế-xã hội (KT-XH) đặc biệt khó khăn được đầu tư với hàng ngàn công trình: đường giao thông liên thôn xã, trường học, trạm y tế, công trình hỗ trợ tưới tiêu, nhà sinh hoạt cộng đồng… nhiều mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất và cách làm mới đã tạo cơ hội việc làm, cải thiện sinh kế cho đồng bào DTTS, giúp người dân vươn lên thoát nghèo.
Quang cảnh Hội thảo
Từ sự quan tâm của cả hệ thống chính trị các cấp, ngành, địa phương; sự ủng hộ của nhiều tổ chức quốc tế, Chương trình 135 đã trở thành “thương hiệu” của UBDT nói riêng và Việt Nam nói chung trong công cuộc xóa đói giảm nghèo; là điển hình cho sự quan tâm về mặt chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào DTTS sinh sống tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn; là căn cứ, cơ sở để xây dựng nhiều chương trình phát triển KT-XH và áp dụng chính sách an sinh đặc thù, là mô hình để các tổ chức quốc tế quan tâm đầu tư hỗ trợ, cũng như kinh nghiệm giảm nghèo trên bình diện quốc tế.
Qua từng giai đoạn, Chương trình 135 được thực hiện theo mô hình khác nhau, với mục tiêu, nội dung cụ thể, phù hợp với thực trạng KT-XH của địa bàn cũng như khả năng cân đối nguồn lực. Có thể nói, Chương trình 135 cũng như các chính sách dân tộc đã đi vào cuộc sống của đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn. Đến nay, hầu hết các xã đặc biệt khó khăn đã có đầy đủ các công trình hạ tầng: 100% xã có đường ô tô đến trung tâm; 99% trung tâm xã và 80% thôn có điện; 65% xã có hệ thống thủy lợi nhỏ đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống; 88% thôn có đường cho xe cơ giới và 42% thôn có đường giao thông đạt chuẩn; trên 50% xã có trạm y tế đạt chuẩn. Tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo, nhất là hộ đồng bào DTTS giảm nhanh theo từng giai đoạn: 1999-2005 giảm 4,5%/năm; từ 2006 đến nay giảm khoảng 3,5%/năm…
Ông Hà Hùng, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT phát biểu tại Hội thảo
Nhờ phổ biến, học tập các mô hình sản xuất, làm ăn hiệu quả, năng suất cao, tăng cường khuyến nông khuyến lâm, kết hợp với hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi; chính sách cho vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất đã góp phần thay đổi nhận thức của một bộ phận lớn đồng bào các dân tộc, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, nhiều hộ có thu nhập cao. Đội ngũ cán bộ cơ sở được đào tạo, tập huấn thường xuyên, góp phần nâng cao năng lực cho cộng đồng, đáp ứng yêu cầu quản lý các hoạt động của Chương trình.
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình 135, cũng như đề xuất các giải pháp để triển khai tốt hơn Chương trình, chính sách dân tộc trong thời gian tới. Một số ý kiến đề nghị cần đánh giá chi tiết hơn kết quả, thành tựu việc thực hiện Chương trình qua từng giai đoạn; tập trung nguồn lực mạnh hơn cho các địa bàn khó khăn nhất, lấy thôn bản, người dân làm trung tâm; đẩy mạnh phân cấp, trao quyền, áp dụng cách tiếp cận phát triển cộng đồng dựa vào nội lực, xây dựng thiết chế cộng đồng, giao thôn bản tự quản dưới mô hình Quỹ phát triển cộng đồng; đổi mới chính sách phát triển sinh kế, tăng cường kết nối vùng DTTS, gia tăng khả năng ứng phó với rủi ro; bổ sung hợp phần hỗ trợ tiếp cận việc làm; đổi mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đo lường, giám sát, đánh giá…
Ông Lưu Minh Hiệu, nguyên Tổng Thư ký Chương trình 135 phát biểu
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Thông thay mặt Lãnh đạo UBDT, bày tỏ sự cảm ơn chân thành tới các thế hệ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; các thế hệ lãnh đạo, công chức đã và đang công tác trong lĩnh vực quản lý, chỉ đạo, điều hành Chương trình 135; các ban, bộ, ngành, địa phương; các tổ chức quốc tế đã dành sự quan tâm, gắn bó, đồng hành và tiếp tục đóng góp cho Chương trình 135 giai đoạn tới, để góp phần trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn để “không ai bị bỏ lại phía sau” trong sự phát triển KT-XH đất nước.
Nhân dịp này, để ghi nhận công lao đóng góp cho sự nghiệp giảm nghèo của vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn, UBDT trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển các Dân tộc” cho 19 cá nhân thuộc các bộ, ngành đã có thành tích đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển khối đại đoàn kết các Dân tộc Việt Nam.
UBDT trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển các Dân tộc” cho 19 cá nhân