Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc thiểu số miền Trung lần thứ III – 2018: Háo hức dự hội
Vinh dự nhận nhiệm vụ đại diện cho tỉnh Bình Ðịnh tham gia Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc thiểu số miền Trung lần thứ III - 2018, đoàn nghệ nhân Chăm H’roi huyện Vân Canh đã sẵn sàng các tiết mục, với tâm thế háo hức bước vào Ngày hội.
Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc miền Trung trong thời kỳ đổi mới - hội nhập và phát triển bền vững đất nước”, Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc thiểu số miền Trung lần thứ III - 2018 sẽ diễn ra từ ngày 24 - 26.8 tại TP Tam Kỳ, Quảng Nam.
Với quy mô cấp khu vực, Ngày hội đón đại diện 13 tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, với khoảng 2.000 nghệ nhân, VĐV quần chúng tham gia. Đặc biệt, theo quy định, 100% nghệ nhân, VĐV tham gia trình diễn, thi đấu… đều là đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm đảm bảo bản sắc các dân tộc và thể hiện ý nghĩa tôn vinh, phát huy vai trò của chủ thể văn hóa.
Bình Định đã sẵn sàng cho Ngày hội. Chiều 20.8, đoàn nghệ nhân Chăm H’roi Vân Canh - đại diện cho tỉnh tham gia sự kiện trên - đã trình diễn báo cáo chương trình. Trước đó, suốt nhiều ngày, tranh thủ việc nhà, nương rẫy, 22 nghệ nhân chăm chỉ tập trung tại Trung tâm VH-TT&TT huyện luyện tập các tiết mục theo kịch bản chương trình đã được duyệt. Rồi họ cùng làm cây nêu, sửa sang chỉn chu các bộ trang phục truyền thống, đồ trang trí đi kèm, kiểm tra chiêng, cồng, nhạc cụ... để lần trình diễn quan trọng sắp đến đạt hiệu quả tốt nhất.
Nghệ nhân Thanh Văn Oái chia sẻ, vài năm trước tham gia Ngày hội tại An Giang, nhiều thành viên của đoàn đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ các địa phương trong đầu tư dàn dựng chương trình bài bản. Ở Quảng Nam lần này, không chỉ mang tính giao lưu trình diễn, Ngày hội còn có một số nội dung thi, qua đó phần nào nói lên vai trò, hiệu quả công tác bảo tồn văn hóa truyền thống của người dân mỗi địa phương. Vì vậy, là đại diện cho tỉnh Bình Định, đoàn Vân Canh ý thức phải nỗ lực nhiều hơn vì địa phương và cũng vì “màu cờ sắc áo” của tỉnh.
Góp mặt tại Ngày hội lần này, Bình Định tham gia gần như đầy đủ các nội dung quan trọng. Đoàn sẽ “trình làng” tại đêm khai mạc bằng 1 bài dân ca Chăm Vui mùa lúa chín (gồm tiếng Chăm và đặt mới lời Việt) - theo hình thức biểu diễn hát múa tập thể. Ở phần liên hoan văn nghệ quần chúng, chương trình đậm sắc màu dân gian và khá đa dạng gồm: hát dân ca Chăm (bài Âthơi chơ ây âxi naoq maq akan, đơn ca nữ Huyền Giang thể hiện, tốp nam đệm cồng chiêng và tốp nữ dân vũ phụ họa), song tấu trống K’toang (bài trống đối đáp Gọi bạn, hai nghệ nhân Thanh Văn Oái và Thanh Văn Huấn trình diễn), hòa tấu bài chiêng cổ Ngă bưng chưng chơroa thơr (Cầu mùa, toàn đoàn biểu diễn) với những nhạc cụ đặc trưng của người Chăm H’roi Vân Canh: cồng 3, chinh 5, trống K’toang, chập chã, xà reo... Ở nội dung tái hiện, giới thiệu một lễ hội hay nghi lễ sinh hoạt truyền thống, đoàn chọn giới thiệu lễ hội Mừng lúa mới (Quai Pthăi Brău), một trong những lễ hội độc đáo, quan trọng nhất của tộc người này và còn duy trì thường xuyên trong đời sống hiện đại ngày nay.
Theo lão nghệ nhân Lê Văn Ru (làng Hiệp Hội, thị trấn Vân Canh), người Chăm H’roi có một số lễ hội truyền thống, như khi công việc khó khăn, thời tiết trở ngại thì làm lễ Cầu mùa, lúc no đủ sung túc thì làm lễ Mừng lúa mới… Chọn mang lễ Quai Pthăi Brău đến Ngày hội này, bên cạnh giới thiệu một lễ hội đặc trưng, tiêu biểu của người Chăm H’roi, chúng tôi muốn chia sẻ niềm vui với các dân tộc anh em về cuộc sống mới ngày càng đủ đầy, tiến bộ của người Chăm H’roi trên đất Vân Canh – Bình Định.
Dự và góp ý về buổi báo cáo chương trình, ông Bùi Việt Thanh, nguyên Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa, Sở VH&TT, đánh giá: Các tiết mục đã hội tụ, thể hiện được những nét đặc trưng, đặc sắc của nghệ thuật dân gian nói riêng, văn hóa truyền thống Chăm H’roi Vân Canh nói chung. Chương trình được xây dựng hài hòa, đa dạng gồm có dân ca, dân vũ, trình diễn nhạc cụ, tái hiện lễ hội, giới thiệu trang phục truyền thống…, đồng thời linh hoạt, chặt chẽ trong dàn dựng. Đặc điểm dân ca Chăm mượt mà, trữ tình nhưng giai điệu, tiết tấu khá đơn điệu. Các nghệ nhân đã nhận thấy, và khắc phục hiệu quả bằng cách điểm vào đó dân vũ, nhất là cho trống K’toang - một loại nhạc cụ cá tính, mạnh mẽ, thu hút - xuất hiện ở những chỗ hợp lý, giúp cho các tiết mục hát dân ca Chăm trở nên màu sắc, cuốn hút hơn.
Cũng qua buổi duyệt chương trình trên, ông Nguyễn Thanh Quang, Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa, Sở VH&TT đánh giá cao khả năng chuyên môn và nhất là tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình của đoàn nghệ nhân. Với sự chuẩn bị chu đáo, hy vọng đại diện của Bình Định sẽ để lại dấu ấn đẹp tại Ngày hội./.