“Công trình Học viện Dân tộc cần đảm bảo đúng quy chuẩn công trình giáo dục, mang đặc trưng kiến trúc dân tộc thiểu số”
Đó là yêu cầu của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến tại cuộc họp với lãnh đạo Học viện Dân tộc về lập phương án quy hoạch, thiết kế kiến trúc dự án đầu tư Học viện Dân tộc diễn ra vào sáng 15/8 tại Ủy ban Dân tộc (UBDT).
Cuộc họp có sự tham dự của các đồng chí Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT: Nông Quốc Tuấn, Phan Văn Hùng, Hoàng Thị Hạnh; lãnh đạo Học viện Dân tộc, Vụ Kế hoạch và Tài chính, Ban Quản lý dự án đầu tư chuyên ngành xây dựng.
Học viện Dân tộc được quy hoạch trên diện tích 15ha, nằm ở phía Đông Nam quần thể Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội. Khu vực lập quy hoạch nằm trên vùng đồi thấp, độ cao trung bình 28-30m. Xen kẽ giữa các quả đồi là dải đất trũng nối liền với mặt hồ Đồng Mô, mang nét đặc trưng điển hình của đất vùng bán sơn địa. Trong khu vực nghiên cứu lập quy hoạch hiện chưa có công trình xây dựng.
Báo cáo với Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT về phương án quy hoạch, thiết kế kiến trúc dự án xây dựng Học viện Dân tộc, đại diện phía đơn vị tư vấn của Học viện Dân tộc đã đánh giá về hiện trạng khu quy hoạch đầu tư xây dựng; phân tích, đánh giá hiện trạng đất, hiện trạng địa chất công trình.... Về kiến trúc, quy hoạch mặt bằng được dự kiến chia vùng không gian theo chức năng; không gian quản lý, học tập và sinh hoạt được kết nối hài hòa với không gian mặt nước và cây xanh; các tuyến giao thông được phân chia rõ ràng; phong cách kiến trúc sử dụng hình khối vuông vắn, mang hơi hướng kiến trúc Pháp.
Phối cảnh tổng thể dự án xây dựng Học viện Dân tộc
Thảo luận, góp ý đối với phương án quy hoạch cũng như về kiến trúc Học viện, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến cho rằng, kiến trúc không nên chia cắt, cần tạo được khoảng không gian rộng, phù hợp với việc tổ chức các lễ hội, các hoạt động văn hóa dân tộc và các sự kiện lớn của sinh viên; cần thiết kế khu nhà công vụ, lưu trú để phục vụ cho cán bộ, giảng viên công tác tại Học viện; về vị trí khu giảng đường, ký túc xá, thư viện, khu thể thao... cũng như diện tích dành cho xây dựng các khu này cần đảm bảo khoa học, hợp lý và đúng theo quy định nhà nước.
Liên quan đến kiến trúc xây dựng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng đề nghị, trong kiến trúc tổng thể cần có sự nghiên cứu kỹ hơn về kiến trúc các dân tộc thiểu số Việt Nam. Học viện Dân tộc cần có cảnh quan, kiến trúc xây dựng mang phong cách đặc trưng của văn hóa dân tộc thiểu số.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hạnh cũng cho rằng, trong tổng thể kiến trúc cần thể hiện được chất văn hóa dân tộc, mang đậm kiến trúc dân tộc nhưng vẫn đảm bảo phong cách hiện đại, thể hiện phong cách riêng mà các trường khác không có; công năng từng công trình cũng phải đảm bảo, đáp ứng được việc học tập, đào tạo cũng như tổ chức các sự kiện.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến yêu cầu lãnh đạo Học viện Dân tộc nghiên cứu triết lý của Học viện Dân tộc là gì? để việc xây dựng công trình Học viện Dân tộc đảm bảo bền vững, đẹp và mang đúng quy chuẩn công trình giáo dục, mang đặc trưng kiến trúc dân tộc thiểu số; công trình giáo dục phải gắn với công trình văn hóa.
Trong tổ chức thực hiện, Bộ trưởng, Chủ nhiệm yêu cầu Học viện Dân tộc lưu ý: Cốt xây dựng phải theo địa hình, hạn chế tối đa đào cắt, đào đắp; áp dụng tiêu chuẩn xây dựng tối thiểu; tăng diện tích cây xanh, thảm cỏ, vườn hoa, nên chú trọng vào các loại cây mang đặc trưng vùng DTTS và miền núi; nghiên cứu thêm phương án đặt cổng chính, nhà ăn, nhà ở, nhà đa năng...; bổ sung thêm khu nhà ở công vụ, nhà khách, khu trưng bày ngoài trời, khu hoạt động ngoài trời, bãi đỗ xe ô tô; tất cả làm đúng quy phạm, quy chuẩn của nhà nước