Những năm gần đây, thành công đáng ghi nhận nhất của một số HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Yên là hình thành được chuỗi liên kết sản xuất lúa giống. Mô hình này đang phát huy hiệu quả về chất lượng sản phẩm lẫn đầu ra, mang lại lợi nhuận cho cả nông dân, HTX và các trại lúa giống.
Khi sản xuất gắn với tiêu thụ
Theo Liên minh HTX tỉnh Phú Yên, lúa giống là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên mà các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hình thành được chuỗi liên kết sản xuất bền vững. Riêng từ đầu năm đến nay, 4 HTX ở 2 huyện Phú Hòa, Tây Hòa đã hình thành được chuỗi liên kết sản xuất lúa giống cấp nguyên chủng khi liên kết với các trại giống thuộc Trung tâm Giống và Kỹ thuật cây trồng tỉnh.
Ông Trần Văn Giáp, Trưởng Trại giống nông nghiệp Hòa Đồng (huyện Tây Hòa), cho biết: Vụ Đông Xuân 2017-2018, đơn vị liên kết sản xuất lúa giống cấp xác nhận với 3 HTX ở địa phương trên diện tích 20ha. Các loại giống được triển khai là BY14, CH113, OM 2695-2. Đầu vụ, đơn vị cung ứng 2 tấn lúa giống cho các hộ thành viên HTX để sạ hàng, sạ thưa. Trong quá trình cây lúa sinh trưởng và phát triển, cán bộ chuyên môn của trại giống cũng trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật canh tác, cách dùng thuốc bảo vệ thực vật đúng liều lượng, cách phòng chống sâu bệnh hại lúa…
“Trước thu hoạch, đơn vị khảo nghiệm, kiểm tra chất lượng lúa, diện tích nào đạt chuẩn sẽ thu mua chế biến thành lúa giống đưa ra thị trường, diện tích nào chưa đạt để lại dùng làm lúa ăn. Đơn vị trực tiếp thu mua 100% lúa giống đạt chuẩn với giá 1kg lúa tươi tại ruộng bằng giá 1kg lúa khô thị trường đang bán. Từ đầu vụ đến nay, đơn vị đã thu mua được hơn 135 tấn lúa giống của các HTX này”, ông Giáp cho biết thêm.
HTX Hòa Phong là một trong những đơn vị liên kết sản xuất lúa giống đạt hiệu quả cao. Ông Lương Công Xem, Phó Giám đốc HTX Hòa Phong cho hay: HTX đã liên kết với Trại giống Hòa Đồng và Trại giống Hòa An được 5 năm nay. Thời gian đầu, hai đơn vị chỉ làm mô hình thí điểm, chuyển giao công nghệ sản xuất mới, thay đổi phương thức canh tác cũ không còn phù hợp, hình thành kỹ thuật sạ hàng, sạ thưa cho bà con và sử dụng lúa giống vào gieo trồng thay vì dùng lúa thịt (lúa ăn) như trước. Từ hiệu quả thí điểm, HTX tăng diện tích sản xuất lúa giống 2ha lên hàng chục ha, và số hộ tham gia sản xuất cũng tăng lên. Vụ Đông Xuân 2017-2018 này, HTX bán cho Trại giống Hòa Đồng hơn 77 tấn lúa giống loại PY14 và hơn 50 tấn cho Trại giống Hòa An… Liên kết với các trại giống, HTX có thêm đầu ra tiêu thụ sản phẩm, giúp bà con yên tâm sản xuất.
Ba bên cùng có lợi
Ông Nguyễn Đức Thắng, Giám đốc Trung tâm Giống và Kỹ thuật cây trồng Phú Yên chia sẻ: Trong quản lý sản xuất nông nghiệp, các HTX là “cánh tay nối dài” của đơn khi chuyển giao khoa học-kỹ thuật mới, thay đổi thói quen canh tác. Sự phối hợp giữa các HTX và các trại giống không chỉ bây giờ mà đã hình thành từ nhiều năm nay, mang lại lợi ích cho cả ba bên.
Trại giống hoàn thành được mục tiêu nhân rộng diện tích sản xuất sử dụng lúa giống cấp xác nhận. Các HTX đã trở thành đơn vị cung ứng sản phẩm cho trại giống, trại giống vừa là đơn vị cung ứng, tiêu thụ lúa giống cho bà con vừa chuẩn hóa kỹ thuật canh tác để tạo ra các sản phẩm lúa giống đạt chuẩn, có giá trị trên thị trường.
Bà Nguyễn Thị Mai ở xã Hòa Tân Tây, cho biết: Ngày trước, với 4 sào lúa của gia đình, bà phải gieo mất ít nhất 30kg lúa giống. Từ khi được học kỹ thuật sạ hàng, sạ thưa do cán bộ HTX và cán bộ trại giống hướng dẫn, giờ chỉ sạ có 20kg lúa giống. Thu hoạch xong lại được trại giống thu mua luôn, không sợ thương lái ép giá.
Thực hiện liên kết sản xuất lúa giống, các HTX không chỉ được hỗ trợ chi phí quản lý và có cơ hội mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp, đơn vị thu mua lúa giống khác, vừa đảm bảo đầu ra cho nông dân vừa tăng doanh thu cho HTX. Ông Nguyễn Hữu Hồng, Giám đốc HTX Hòa Trị 2, cho biết: Tổ chức sản xuất cho bà con là nhiệm vụ “bà đỡ” của HTX. Công tác này tại HTX là làm công ích, không có nguồn thu, khi liên kết với các trại giống, HTX được trích lại một phần kinh phí quản lý; tuy số tiền không lớn, nhưng là sự động viên kịp thời cho HTX hoạt động.