Thư gửi Hội nghị các dân tộc thiểu số miền nam tại plâycu
Cùng các đồng bào dân tộc thiểu số,
Hôm nay đồng bào khai hội, sum họp một nhà thật là vui vẻ.
Tiếc vì đường sá xa xôi, tôi không đến dự được. Tôi tuy xa, nhưng lòng tôi và Chính phủ vẫn gần gũi đồng bào.
Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau.
Trước kia chúng ta xa cách nhau, một là vì thiếu giây liên lạc, hai là vì có kẻ xui giục để chia rẽ chúng ta.
Ngày nay nước Việt Nam là nước chung của chúng ta. Trong Quốc hội có đủ đại biểu các dân tộc. Chính phủ thì có "NHA DÂN TỘC THIỂU SỐ" để săn sóc cho tất cả các đồng bào.
Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta.
Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta.
Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta.
Xin chúc Đại hội thành công.
Lời chào thân ái
Hà Nội, ngày 19 tháng 4 năm 1946
HỒ CHÍ MINH
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người được toàn dân ta gọi bằng cái tên thân kính: Bác Hồ. Người là một lãnh tụ thiên tài, một vị “anh hùng dân tộc vĩ đại” và Người còn là nhà tư tưởng lớn, một Danh nhân Văn hoá của Việt Nam và thế giới.
Trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người vấn đề đoàn kết luôn là tư tưởng xuyên suốt. Đoàn kết với nhân dân thế giới, đoàn kết với các dân tộc anh em, đoàn kết với mọi tầng lớp, thành phần trong xã hội là mục tiêu cao cả, là điều kiện tiên quyết để hoàn thành nhiệm vụ và lý tưởng mà sứ mệnh lịch sử đã giao phó. Bức thư Bác Hồ gửi “Hội nghị đại biểu các dân tộc thiểu số ở miền Nam” chứa đựng nội dung chính là kêu gọi đoàn kết. Ngôn từ nhẹ nhàng, tình cảm toát lên sự ân cần, nhắc nhở, động viên tha thiết, đó cũng là chỉ thị của Bác, của Đảng, Chính phủ đến toàn thể cán bộ, đảng viên và đồng bào miền Nam nói chung, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói riêng. Có đoàn kết tốt thì chúng ta mới có sức mạnh để chiến thắng kẻ thù, giành độc lập tự do và đem lại hạnh phúc cho nhân dân, cho Tổ quốc.
Ngay từ những dòng đầu của bức thư Bác đã đề cập đến sự gắn bó tình cảm giữa cộng đồng các dân tộc, một tình cảm keo sơn không gì chia tách được: “Hôm nay đồng bào khai hội, sum họp một nhà thật là vui vẻ”.
Hội nghị các dân tộc thiểu số miền Nam đã đón nhận hơn 1.000 đại biểu các dân tộc Tây Nguyên và miền núi các tỉnh đồng bằng Trung bộ về dự. Đây là dịp hội ngộ của đồng chí, đồng đội ở nhiều địa bàn cách xa trong thời kỳ kháng chiến gian khổ ác liệt. Đại hội như ngôi nhà lớn để anh em, con cháu sum họp, Bác là lãnh tụ tối cao, là người Cha già dân tộc vô cùng gần gũi thân thương đã gửi tình cảm thân thiết của mình qua những dòng chữ mộc mạc: “Tiếc vì đường sá xa xôi, tôi không thể đến dự được…”, song Bác vẫn khẳng định niềm tin tuyệt đối với đồng bào các dân tộc thiểu số miền Nam, với đồng bào Tây Nguyên: “Lòng tôi và Chính phủ vẫn gần gũi đồng bào…”.
Qua bức thư là hình ảnh các dân tộc anh em từ Nam chí Bắc, từ miền xuôi đến miền ngược đoàn kết gắn bó, gánh chia gian khổ, lo cho nhau từ miếng cơm manh áo… Bác không thể liệt kê hết các dân tộc anh em trên đất nước ta, nhưng đôi dòng tâm huyết điểm qua cũng chứa đựng ý nghĩa to lớn về vấn đề đoàn kết các dân tộc. Đó cũng chính là lời khuyên dạy của người cha đối với anh em, con cháu ruột thịt trong gia đình: “… Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau…”. Đây cũng là cái cốt lõi truyền thống đạo lý ngàn đời của nhân dân Việt Nam, qua đó Bác muốn nói lên sự đoàn kết đó là truyền thống vô cùng quý báu của dân tộc Việt Nam trong suốt lịch sử dựng nước và giữ nước, qua mỗi giai đoạn cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, truyền thống ấy luôn được phát huy và nâng lên tầm cao mới. Đoàn kết các dân tộc trong đại gia đình các dân tộc thiểu số Việt Nam là một chủ trương chiến lược, luôn được Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm, lãnh đạo. Thực hiện lời Bác dạy, đồng bào các dân tộc thiểu số miền Nam nói chung và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói riêng đã một lòng, một dạ đoàn kết bên nhau trong đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;
Thực tế lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã chứng minh một cách hùng hồn qua mấy ngàn năm. Và ngay trong buổi đầu kháng chiến chống thực dân Pháp - phát xít Nhật giành chính quyền về tay nhân dân, các dân tộc anh em luôn kề vai sát cánh đoàn kết một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ; luôn đùm bọc giúp đỡ nhau vượt qua mọi khó khăn gian khổ, phấn đấu vì mục tiêu độc lập, tự do cho đất nước. Chúng ta đã có một chính quyền dân chủ nhân dân thật sự, có đất nước, Chính phủ chung, có Quốc hội gồm nhiều đại biểu các dân tộc. Chính phủ có “Nha dân tộc thiểu số” để chăm lo cho tất cả đồng bào… ý nghĩa đoàn kết luôn được Bác đề cập, nhấn mạnh trong toàn bộ nội dung bức thư: “Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ của chúng ta. Vậy nên tất cả các dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta.”.
Trong thực tiễn đấu tranh cách mạng, nhân dân ta đã giành được chính quyền. Nhưng nếu không tiếp tục gắn bó đoàn kết để giữ vững nền độc lập và sự nghiệp xây dựng Tổ quốc xã hội chủ nghĩa thì mọi sự phấn đấu gian khổ của chúng ta như muối bỏ bể, đất nước sẽ gặp lâm nguy, vì kẻ thù không bao giờ chịu từ bỏ dã tâm xâm lược. Để giữ vững nền độc lập, tự do của Tổ quốc, giữ vững chính quyền nhân dân và mưu cầu hạnh phúc cho tương lai con cháu, chúng ta phải tăng cường đoàn kết, hết lòng thương yêu nhau, phải kính trọng nhau và giúp đỡ lẫn nhau. Sự ân cần dặn dò của Bác đã toát lên ý nghĩa sâu sắc về đạo lý truyền thống và tính nhân văn cao cả. Một tình cảm hết sức gần gũi lắng đọng truyền vào máu thịt, con tim, in đậm sâu vào trí nhớ, không bao giờ quên, dù thời gian đã 65 năm trôi qua…
Chân lý được Bác kết luận trong bức thư như một cẩm nang trong đời sống, chính là sự đoàn kết. Mọi sự có thể thay đổi theo tiến trình đi lên của lịch sử, mọi sự có thể thay cũ đổi mới, nhưng mục tiêu, lý tưởng, chí hướng và sự đoàn kết sẽ là duy nhất.“… Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt…”.
Từng chữ, từng câu qua bức thư ngắn gọn, mộc mạc và chân chất; rất dễ hiểu và nhớ lâu, có sức nặng hơn cả chục văn bản, sắc lệnh… Chính vì thế, trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược đồng bào các dân tộc thiểu số miền Nam nói chung và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói riêng luôn ý thức tinh thần đấu tranh giải phóng dân tộc thoát khỏi ách ngoại xâm, một lòng theo cách mạng, theo Đảng, Bác đến cùng. Khắp nơi xuất hiện hàng trăm, hàng ngàn tấm gương tiêu biểu anh hùng, chiến sĩ thi đua rộ lên theo mùa chiến thắng.
Nghĩ về Bác, nghĩ về Đảng và làm theo lời Bác dạy, đặc biệt là thực hiện việc “Học tập và làm theo gương đạo đức Hồ Chí Minh” bao đồng bào các dân tộc thiểu số đem hết sức mình trao dồi học tập và cống hiến cho sự nghiệp xây dựng Tổ quốc, xây dựng quê hương, thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, đưa nước ta thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu tiến lên công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; công cuộc cách mạng xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta trong tình hình mới có nhiều diễn biến phức tạp, bài học về đoàn kết của Bác vẫn luôn là tâm điểm. Chỉ có đoàn kết tốt thì mọi hành động mới có sức mạnh và bền vững, làm bất cứ việc gì dù lớn hay nhỏ cũng phải đoàn kết… Việc càng lớn càng phải hình thành mặt trận đoàn kết thống nhất. Đại đoàn kết là đoàn kết gắn bó những người thuộc nhiều thành phần xã hội khác nhau, dân tộc khác nhau, nhưng cùng chung quyết tâm đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc, đồng tâm, quyết chí xây dựng đất nước giàu mạnh.
Nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm, niềm tự hào về việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc góp phần củng cố, thắt chặt, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam, Đảng, Nhà nước đã quyết định lấy ngày 19-4 hàng năm là Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (Ngày Bác Hồ gửi thư đến Đại hội đoàn kết các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku). Đây là một hình thức ghi nhớ, nhắc nhở, động viên tinh thần “Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ” thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Chính phủ với đồng bào các dân tộc là đáp ứng lòng mong mỏi của 54 dân tộc Việt Nam.