Các lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số ở Vân Canh: Nhân cái đẹp, dẹp cái lạc hậu
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng nông thôn mới- đô thị văn minh” ở Vân Canh không chỉ khơi dậy tinh thần đoàn kết, tạo động lực để đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới mà còn là dịp để đồng bào khơi dậy, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.
Từ khi thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, nhiều tập tục lạc hậu trong cộng đồng đồng bào các dân tộc thiểu số ở Vân Canh đã được thanh lọc, điều chỉnh. Những nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ trong đời sống thực tế.
1. Ở xã vùng cao Canh Liên, đến dịp Tết Nguyên đán hoặc Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, Ban quản lý tất cả các làng sẽ tổ chức để bà con cả làng cùng vui đón Tết vui vẻ. Cách làm này khiến tình đoàn kết cộng đồng thêm bền chắc, niềm vui được tăng lên nhiều lần.
Nói như vậy không có nghĩa là cứ gom bà con lại cùng đón Tết một chỗ là xong. Mọi việc vui vẻ, rộn ràng, chu đáo và hào hứng hơn thế nhiều. Trước tiên, người già sẽ đứng ra chỉ huy thanh niên đem cồng chiêng ra lau chùi, điều chỉnh lại những hỏng hóc, sắp xếp lại đội hình đội ngũ những người sẽ trình tấu, sau đó tập dượt qua một lượt. Thứ đến, cũng chính những người già sẽ kiểm đếm số vật dụng phục vụ lễ hội, rà soát lại việc chuẩn bị những phẩm vật để cúng tế, đặc biệt là số rượu cần để cả làng cùng uống chung với nhau (thường thì mỗi nhà đều chuẩn bị một vài ghè rượu cần để mang đến nhà rông cùng nhau chung vui). Những việc này được cả cộng đồng quan tâm và chia sẻ. Và điều hiển nhiên khi làng chuẩn bị cho hoạt động lễ tết thì ngay tại mỗi gia đình, ai cũng rộn ràng sắm sửa, phơi phóng những bộ váy, áo truyền thống để diện trong ngày hội.
Ông Đinh Văn Tú, người dân tộc Bana ở làng Cát, xã vùng cao Canh Liên tự hào cho biết: Các dịp lễ, tết hay Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, bà con làng Cát mình lại cùng nhau chung vui, người già truyền dạy lại những điều tốt đẹp cho con cháu để chúng tiếp tục giữ gìn và phát huy.
2. Xã vùng cao Canh Liên là xã khó khăn nhất huyện Vân Canh và khi Canh Liên đã gìn giữ phát huy được từng ấy thì ở địa phương khác, với nhiều thuận lợi hơn, kết quả còn đáng phấn khởi hơn.
Ông Nguyễn Sinh Cơ, một người dân ở làng Hà Văn Trên, xã Canh Thuận chia sẻ: “Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mà Đảng, Nhà nước vận động thực hiện có nhiều cái lợi, nhưng cái lợi lớn nhất là nhờ đó những tập tục lạc hậu, những chuyện mê tín dị đoan được lọc bỏ đi. Ngược lại vốn quý của đồng bào được giữ gìn tốt, không bị mất đi mà còn có cơ hội được phát huy; đồng bào mình nhờ đó cũng đoàn kết với nhau tốt hơn!”.
Nhờ thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh”, cộng đồng các dân tộc thiểu số ở huyện Vân Canh đã lưu giữ và phát huy được vốn văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Những năm gần đây, trong các dịp lễ tết, tiếng cồng chiêng dễ dàng vang xa hơn, lay động đến cả những nơi khuất nẻo nhất của làng, bản; những bộ trang phục truyền thống rực rỡ sân chơi, hương rượu cần bát ngát khắp mọi nẻo đường. Có dịp hòa mình vào trong những lễ hội như vậy có lẽ ai cũng dễ dàng trải lòng mình hơn!