Giới thiệu tổng quan Đề án: Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng dân tộc thiểu số
Nghèo đói, thiếu ăn, thiếu mặc, không có việc làm và tương lai mù mịt phía trước, tất cả những điều này đã trở thành một vòng luẩn quẩn ở các làng, bản, thôn, buôn có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao tại vùng dân tộc thiểu số.
Đi về các bản làng của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, không khó để bắt gặp hình ảnh các bé gái mới 15,16 tuổi đã trở thành những người vợ, người mẹ. Trong những chuyến khảo sát, chúng tôi bắt gặp cả trường hợp các em mới 12,13 tuổi đã có vợ, có chồng, thậm chí nhiều em chưa biết tiếng Kinh và không biết chữ. Khi được hỏi đến Luật Hôn nhân và gia đình, hỏi về các câu liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống các em đều lắc đầu không biết. Hỏi tại sao lại lấy vợ, lấy chồng sớm, tại sao kết hôn với người cùng dòng họ? Những câu trả lời chúng tôi nhận được là “để có thêm người phụ giúp gia đình” hay hồn nhiên như “thấy thích nhau thì lấy thôi” hoặc “các con nó tự đưa nhau về thì cho cưới”… và tâm lý muốn giữ của cải trong dòng họ đối với các trường hợp kết hôn cận huyết thống không phải là hiếm. Khó có thể trách được các em, khi mà mối quan tâm lớn nhất của con người ở những nơi này có lẽ là làm sao có bữa cơm đủ no, có áo ấm đủ mặc. Những thứ như pháp luật hay khoa học dường như là một cái gì đó quá xa xôi.
Nghèo đói, thiếu ăn, thiếu mặc, không có việc làm và tương lai mù mịt phía trước, tất cả những điều này đã trở thành một vòng luẩn quẩn ở các làng, bản, thôn, buôn có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao tại vùng dân tộc thiểu số. Theo điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2015 của Ủy ban Dân tộc cho thấy, tỷ lệ tảo hôn chung của các dân tộc thiểu số rất cao, lên đến 26,6%. Đặc biệt, một số dân tộc có tỷ lệ tảo hôn trên 30% như: Mông 59,7%, Xinh Mun 56,3%, La Ha 52,7%, Gia Rai 42%, Raglay 38,3%, Bru-Vân Kiều 38,9%... Hôn nhân cận huyết thống có tỷ lệ 0,65%, tồn tại chủ yếu ở một số dân tộc có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn và sống biệt lập như Mạ (4,41%), Mảng (4,36%), Mnông (4,02%), Xtiêng (3,67%)…
Qua khảo sát có thể thấy tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống thường xảy ra ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện địa hình và kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, cộng đồng cư dân sống biệt lập. Nhiều xã tỷ lệ tảo hôn lên tới trên 50%, như tại xã Lóng Luông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, có tới 52% cặp vợ chồng kết hôn ở lứa tuổi 12 - 17 tuổi.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó phải kể đến các yếu tố như: Điều kiện tự nhiên - xã hội nhiều bất lợi; trình độ nhận thức, dân trí và hiểu biết pháp luật của đại đa số đồng bào ở nơi đây còn nhiều hạn chế; công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức, pháp luật tới người dân ở nhiều địa phương còn yếu kém; phong tục tập quán lạc hậu và ăn sâu, bám rễ lâu đời ở một số dân tộc thiểu số; đời sống kinh tế - xã hội khó khăn, nghèo đói… Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống mang lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giống nòi, chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số. Chính bản thân các em khi kết hôn sớm, kết hôn cận huyết thống sẽ là nạn nhân của thất học, không có việc làm, nghèo đói và bệnh tật. Đối với xã hội sẽ trở thành gánh nặng, tăng áp lực, chi phí cho xã hội; vô tình làm ảnh hưởng và cản trở các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ mà Việt Nam đã ký kết với quốc tế.
Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống: Quyết tâm còn gặp nhiều thách thức
Trước thực trạng trên, theo đề nghị của Ủy ban Dân tộc, ngày 14/4/2015 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025” (Quyết định số 498/QĐ-TTg). Mục tiêu chung là đến năm 2025 cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số. Mục tiêu cụ thể: nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số; trên 90% cán bộ công tác dân tộc các cấp, cán bộ văn hóa - xã hội xã được tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng vận động, tư vấn, truyền thông; giảm bình quân 2%-3%/năm số cặp tảo hôn và 3%-5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn, dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cao. Đề án được phê duyệt là thể hiện sự vào cuộc và quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong cuộc chiến chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, để thay đổi được thực trạng này không phải là điều dễ dàng, thay đổi nhận thức không phải là việc có thể làm nhanh một sớm, một chiều. Ngăn chặn, đẩy lùi tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cần sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành và của toàn xã hội. Song song với việc nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, của cán bộ chính quyền, đoàn thể các cấp; một mặt cần đẩy mạnh hơn nữa đầu tư cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế, phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số. Khi nhận thức và đời sống được nâng lên, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cũng theo đó sẽ được đẩy lùi. Với nguồn lực hạn chế, trong năm 2016 triển khai thực hiện Đề án mới chỉ tập trung vào công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng như truyền hình, truyền thanh, báo chí…; triển khai mô hình thí điểm tại một số tỉnh khu vực phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao. Để thực hiện hiệu quả Đề án và giải quyết được tận gốc rễ của vấn đề, trong những năm tiếp theo thực hiện Đề án hy vọng sẽ thấy được sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt hơn nữa của Đảng, Nhà nước; các Bộ, ngành ở trung ương và địa phương; các tổ chức quốc tế cũng như sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng. Để đến năm 2025, khi nhìn lại chúng ta sẽ có một thế hệ trẻ dân tộc thiểu số với một tương lai tốt đẹp hơn, góp phần vào sự phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số./.