Tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc
Chiều 30.11, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính Phủ Trương Hòa Bình chủ trì hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc. Tham dự tại điểm cầu Bình Định có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu và lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan;
Báo cáo tại hội nghị cho biết, sau 5 năm thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và vùng núi. Tại Bình Định, hiện có33 xã, thị trấn thuộc 6 huyện có 31 đồng dân tộc thiểu số sinh sống; diện tích tự nhiên chiếm 48,4% so với diện tích tự nhiên của tỉnh. Đến cuối năm 2016 có khoảng 9.500 hộ, 37.600 người, chiếm khoảng 2,2% dân số toàn tỉnh, trong đó chủ yếu là 3 dân tộc Chăm, Bana, H’rê. Về thụ hưởng Chương trình 135 toàn tỉnh có 26 xã ĐBKK và 47 thôn ĐBKK thuộc xã khu vực II; 3 huyện nghèo thực hiện Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định này, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị phổ biến, triển khai đến tất cả các đơn vị liên quan. Từ đó, đã tạo được sự đồng thuận, thống nhất trong triển khai thực hiện công tác dân tộc tại địa phương. Nhờ vậy, đã đạt được những thành tự cơ bản như:
Về phát triển sản xuất: Đã nâng cao kỹ năng và xây dựng tập quán sản xuất mới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Bước đầu đã hỗ trợ nhiều hộ nghèo, người nghèo có cơ hội tiếp cận kiến thức sản xuất mới, hỗ trợ trực tiếp giống, vật tư, công cụ sản xuất, tạo điều kiện cho người dân từng bước vươn lên làm ăn phát triển, thoát nghèo;
Về phát triển cơ sở hạ tầng: 100% xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã; trên 70% tuyến đường liên thôn, liên xã được bê tông hoá; 86% xã có công trình thủy lợi nhỏ; 100% xã có đủ trường, lớp học; 95% số thôn, bản có điện ở cụm dân cư; 90,9% số hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; Đã trang bị, bổ sung những kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về xóa đói, giảm nghèo, nâng cao kiến thức quản lý đầu tư và kỹ năng quản lý, điều hành cho cán bộ cấp xã và trưởng thôn;
Về giáo dục: Sự nghiệp phát triển giáo dục ở miền núi đã đạt được những thành tựu đáng kể: 100% số xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt phổ cập giáo dục trung học cơ sở; 100% xã đều có trường tiểu học. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú gồm 4 trường cấp huyện với 720 học sinh và 01 trường cấp tỉnh 350 học sinh. Ngoài ra, còn có 9 trường bán trú với 1.400 học sinh;
Về y tế: 100% xã, thị trấn có trạm y tế, 100% thôn, làng đều có nhân viên y tế hoạt động; về văn hoá: Đã có 115/119 làng đồng bào DTTS có nhà văn hóa hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng. Lễ hội văn hóa - thể thao miền núi cấp tỉnh được duy trì, tổ chức 2 năm 01 lần. Đã hoàn thành công tác nghiên cứu và biên soạn chữ viết của 3 dân tộc: Chăm, Bana, Hrê. Đã biên soạn giáo trình và đưa vào giảng dạy tiếng Bana tại huyện Vĩnh Thạnh và tiếng Hrê tại huyện An Lão cho cán bộ chủ chốt và cán bộ các cấp trên địa bàn huyện;
Về giảm nghèo: Đã thực hiện giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 4-5%/năm; về xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở: Đội ngũ cán bộ, công chức vùng dân tộc thiểu số đã từng bước được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước, bước đầu đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao;
Công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được duy trì và thực hiện tốt.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính Phủ Trương Hòa Bình cho rằng, những kết quả trên đã khẳng định sự đúng đắn, hiệu lực, hiệu quả và tính khả thi của Nghị định 05/2011/NĐ-CP, tạo điều kiện thuận lợi để phát huy nội lực của các DTTS, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh; cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư; tỉ lệ hộ nghèo giảm đáng kể; đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được nâng lên, diện mạo vùng DTTS và miền núi đã thay đổi căn bản theo hướng tích cực.