Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới: Cần có chính sách hỗ trợ các xã miền núi
Qua hơn 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) giai đoạn 2011-2015, nông thôn tỉnh ta đã có nhiều khởi sắc, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng kiên cố, đời sống của người dân từng bước được nâng cao...
Tuy nhiên, vấn đề XDNTM tại các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn là một bài toán khó vì mức hoàn thành các tiêu chí còn khá thấp.
Mức đạt các tiêu chí còn thấp
Theo Văn phòng Điều phối XDNTM thuộc Sở NN&PTNT, toàn tỉnh có 22 xã thuộc 3 huyện miền núi đang thực hiện Chương trình XDNTM. Trong đó, huyện Vĩnh Thạnh có 8 xã, An Lão có 8 xã và Vân Canh có 6 xã. Qua 5 năm thực hiện XDNTM, việc hoàn thành các tiêu chí NTM tại các xã miền núi đạt khá thấp so với mức bình quân của cả tỉnh. Theo thống kê, các xã XDNTM trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh bình quân chỉ đạt 8,4 tiêu chí/xã; các xã ở huyện An Lão đạt 9,1 tiêu chí/xã; Vân Canh 9 tiêu chí/xã. Trong tổng số 22 xã XDNTM của 3 huyện miền núi chưa có xã nào đạt trên 15 tiêu chí. Các tiêu chí như: tỉ lệ hộ nghèo, thu nhập, chợ, môi trường… ở các xã miền núi vẫn còn khoảng cách lớn so với các xã ở khu vực đồng bằng.
Ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng Điều phối XDNTM tỉnh, cho biết: Nguyên nhân của thực trạng XDNTM ở các xã miền núi tỉnh ta chưa có chuyển biến tích cực do nhiều yếu tố. Trong đó, có thể kể đến điểm xuất phát của các xã miền núi rất thấp, dẫn đến việc tổ chức phát triển sản xuất, tạo sinh kế để nâng cao thu nhập cho người dân còn nhiều khó khăn. Phần lớn số hộ nông dân ở các xã miền núi thuộc diện hộ nghèo, thiếu vốn sản xuất, việc tiếp thu kiến thức KHKT còn hạn chế. Một bộ phận không ít hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn thụ động, thiếu năng lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Số hộ thoát nghèo có nguy cơ tái nghèo hàng năm còn rất cao, kết quả giảm nghèo chưa bền vững.
Bên cạnh đó, tập quán sản xuất của người dân khu vực miền núi còn lạc hậu, diện tích đất canh tác ít, chủ yếu là đất đồi rừng, khó sản xuất; việc sản xuất ở một số vùng còn mang tính tự phát, làm theo phong trào, chưa có nhiều mô hình sản xuất hàng hóa tập trung. Số lượng doanh nghiệp trên địa bàn xã không nhiều, quy mô không lớn, nên khả năng thu hút lao động, tạo nguồn thu ngân sách không cao, nên việc giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân không dễ khắc phục.
Ngoài tiêu chí thu nhập, hộ nghèo, các tiêu chí mà các xã miền núi khó hoàn thành là: giao thông, thủy lợi, chợ, môi trường... Theo quy định, để được công nhận đạt tiêu chí giao thông, địa phương phải đạt 70% tổng chiều dài đường giao thông trên địa bàn được bê tông hóa, cứng hóa. Thế nhưng các xã miền núi phần lớn địa hình là vùng đồi núi, dân cư sinh sống phân tán, không tập trung, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo nhiều nên việc huy động nhân dân đóng góp xây dựng đường giao thông còn rất hạn chế; dẫn đến việc đầu tư xây dựng giao thông ở các xã thuộc 3 huyện miền núi của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn.
Cần có chính sách đặc thù, ưu tiên
Ông Lê Văn Đẩu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Trong những năm gần đây, bên cạnh nguồn vốn từ Chương trình XDNTM của Trung ương, tỉnh hỗ trợ, huyện cũng đã lồng ghép thêm với các nguồn vốn khác từ Chương trình 30a, Chương trình 135 để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Tuy nhiên, do xuất phát điểm KT-XH của các xã còn quá thấp nên mặc dù ưu tiên cho công tác hỗ trợ sản xuất, giảm nghèo, nhưng tỉ lệ hộ nghèo của người dân tại nhiều xã còn ở mức trên 50%. Do số hộ nghèo cao, việc huy động các nguồn lực trong dân không thể thực hiện được, đã khiến việc thực hiện các tiêu chí về hạ tầng của xã gặp khó khăn lớn. Bên cạnh đó, việc tìm nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng các công trình thiết yếu cũng đang là bài toán khó giải đối với các xã XDNTM tại địa phương. Huyện đề nghị tỉnh, Trung ương xem xét, có chính sách đặc thù ưu tiên hỗ trợ các xã miền núi khó khăn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất để sớm hoàn thành các tiêu chí NTM.
Theo ông Đào Văn Hùng, từ những khó khăn của các xã miền núi, vấn đề đặt ra hiện nay là Nhà nước cần có cơ chế đặc thù hỗ trợ phát triển sản xuất cho phù hợp với điều kiện sản xuất của người dân các xã miền núi còn khó khăn. Tăng cường hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng cao, hình thành các vùng sản xuất tập trung theo hướng trang trại, gia trại. Cần có chính sách hỗ trợ về vốn, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, mô hình tổ chức sản xuất mới để hỗ trợ cho người dân vùng sâu, vùng xa và miền núi trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ nông lâm sản. Đồng thời, các cấp, các ngành cũng cần ưu tiên triển khai, ứng dụng và nhân rộng các mô hình khoa học công nghệ ở các xã khó khăn, miền núi. Đặc biệt, cho phép địa phương được dồn nguồn lực từ các nguồn hỗ trợ của Trung ương và địa phương để hàng năm lập kế hoạch đầu tư XDNTM cho một số xã miền núi khó khăn theo lối cuốn chiếu dễ làm trước, khó làm sau, không đầu tư dàn trải.
“Các xã cũng cần có sự chủ động, phát huy nội lực của địa phương để XDNTM, không nên trông chờ, ỷ lại vào nguồn vốn phân bổ, hỗ trợ từ cấp trên. Cần có sự phân công rõ ràng, cụ thể cho từng cán bộ, tổ chức trong việc chỉ đạo thực hiện Chương trình XDNTM, từ đó góp phần đưa các xã miền núi khó khăn rút ngắn khoảng cách với các xã miền xuôi trên lộ trình XDNTM” - ông Hùng nhấn mạnh.