Ủy ban Dân tộc tổng kết công tác dân tộc, chính sách dân tộc nhiệm kỳ 2011-2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016
Ngày 27/2, tại Tp.Lào Cai, Ủy ban Dân tộc (UBDT) tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác dân tộc, chính sách dân tộc nhiệm kỳ 2011-2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc chủ trì Hội nghị. Đồng chủ trì có đồng chí Giàng Seo Phử, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT.
Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT: Đỗ Văn Chiến, Nông Quốc Tuấn, Sơn Minh Thắng, Hà Hùng, Sơn Phước Hoan, Phan Văn Hùng, Lê Sơn Hải; đại diện Lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương; UBND, Ban Dân tộc các tỉnh, thành phố trong cả nước; Lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc UBDT.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Giàng Seo Phử, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nhấn mạnh đây là Hội nghị quan trọng, nhằm tổng kết, đánh giá việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong nhiệm kỳ 2011-2015, qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm, đồng thời bàn các giải pháp để thực hiện hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong nhiệm kỳ mới.
Trong Báo cáo tổng kết công tác dân tộc năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016, đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT nhấn mạnh: Với sự chỉ đạo của Chính Phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự đoàn kết, nhất trí cao của tập thể Lãnh đạo Ủy ban, sự nỗ lực của cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành, sự phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ tích cực của các Bộ, ngành, cơ quan trung ương và các địa phương, ngành công tác dân tộc đã thực hiện tốt các nhiệm vụ được Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2011-2015 của toàn ngành.
Năm 2015, tình hình vùng DT&MN cơ bản ổn định, đời sống đồng bào tiếp tục được cải thiện, an sinh xã hội được đảm bảo; y tế, văn hóa, giáo dục không ngừng phát triển; an ninh, chính trị được giữ vững. Tỷ lệ hộ nghèo vùng DT&MN ước còn khoảng 14%, bình quân giảm 2%/năm, riêng các huyện nghèo giảm 3% - 4%; tỷ lệ hộ nghèo DTTS còn khoảng 21,8%, giảm trên 2%. Các chính sách do UBDT quản lý với số tiền được giao 8.246 tỷ đồng đã hỗ trợ đầu tư xây dựng 4.788 công trình cơ sở hạ tầng; hỗ trợ giống, phân bón, vật tư cho 157.999 hộ; định canh định cư cho hơn 4.200 hộ với trên 16.200 khẩu; xây dựng mới và duy tu bảo dưỡng trên 230 công trình nước sinh hoạt tập trung, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho trên 43.000 hộ; hỗ trợ trên 6.000 ha đất sản xuất cho trên 11.000 hộ, chuyển đổi nghề, mua sắm máy móc nông cụ cho trên 7.000 hộ.
Cũng trong năm 2015, UBDT đã hoàn thành xây dựng 09 đề án trình Thủ tướng Chính phủ (đã có 03 đề án được duyệt, 06 đề án đang được Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt), xây dựng hơn 150 báo cáo các loại, tham mưu cho Trung ương Đảng và Chính phủ về tình hình và kết quả thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc...
Về kết quả thực hiện chính sách dân tộc (CSDT) giai đoạn 2011–2015, Báo cáo khẳng định: hệ thống CSDT đã được xây dựng khá đồng bộ, bao phủ tất cả các lĩnh vực, địa bàn vùng DT&MN, được thể chế hóa bằng các Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ với 154 chính sách, thể hiện ở 243 văn bản.
Trong 5 năm, ngân sách Nhà nước để thực hiện các CSDT đã bố trí đầu tư 135.800 tỷ đồng (chiếm 12,8% kinh phí đầu tư cho nông nghiệp nông thôn) để thực hiện các chính sách ở vùng DT&MN. Riêng kinh phí bố trí thực hiện các chương trình, chính sách do UBDT quản lý là 27.144,0 tỷ đồng, chiếm 2,55% kinh phí đầu tư cho nông nghiệp nông thôn.
Hệ thống CSDT mà trọng tâm là Chương trình 135 (CT135) thực hiện trên địa bàn 2.331 xã, 3.059 thôn, ở 415 huyện, 52 tỉnh, trong đó bao gồm: 1.729 xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK); 412 xã biên giới và 190 xã ATK, đã đầu tư gần 20.000 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu (đường giao thông, điện sinh hoạt, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng và chợ nông thôn), góp phần phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân, làm thay đổi rõ nét bộ mặt nông thôn vùng DT&MN. Tính đến hết năm 2015, đã có 80 xã ĐBKK (của 23 tỉnh) và 366 thôn, bản (của 30 tỉnh) hoàn thành mục tiêu của CT135.
Trong nhiệm kỳ 2011–2016, Lãnh đạo UBDT xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt nên công tác dân tộc đã đạt được những kết quả to lớn. Nổi bật là đã ban hành nhiều chính sách dân tộc; huy động nhiều nguồn lực thực hiện có hiệu quả các chính sách xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới...
Trong 5 năm (2011–2015), UBDT và các Bộ, ngành đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 103 CSDT, trong đó nhiều đề án, chính sách đã ban hành có tác động lớn đến CTDT như: Nghị định 05/2011/NĐ-CP; Chiến lược CTDT; CT135 (theo Quyết định 551/QĐ-TTg, ngày 4/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ) cùng với CTMTQG giảm nghèo bền vững, Chương trình xây dựng nông thôn mới…
CTDT tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, như: Chính phủ Ailen viện trợ không hoàn lại 26,29 triệu Euro để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở 8 tỉnh thuộc CT135; Chính phủ Phần Lan, Ailen và các tổ chức quốc tế UNDP, UNICEF, WB đã tài trợ hơn 300 tỷ đồng để thực hiện các dự án hỗ trợ kỹ thuật.
Cùng với các chính sách hỗ trợ của nhà nước, phát huy tinh thần tự cường vượt khó đi lên, đồng bào các DTTS đã nỗ lực đẩy mạnh phát triển sản xuất, nhiều mô hình tiên tiến được nhân rộng, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Với việc thực hiện có hiệu quả CTDT và các CSDT nhiệm kỳ 2011–2015 đã góp phần ổn định đời sống của đồng bào các DTTS, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới. Tốc độ tăng trưởng bình quân của các tỉnh trong vùng DTTS đạt từ 8% - 10%; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh hơn bình quân chung cả nước. Công tác giáo dục có nhiều tiến bộ, mạng lưới y tế tiếp tục phát triển, đội ngũ cán bộ và hệ thống chính trị được củng cố, tình hình an ninh, trật tự ổn định. Đồng bào các dân tộc đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, nỗ lực phấn đấu vươn lên xây dựng cuộc sống mới.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe tham luận và các ý kiến phát biểu của lãnh đạo đến từ các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố và các Ban Dân tộc. Các ý kiến đã góp phần làm rõ hơn tình hình dân tộc, những kết quả thực hiện CTDT và CSDT năm 2015 và cả nhiệm kỳ; đồng thời cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt còn hạn chế cần khắc phục và đề xuất các kiến nghị về cơ chế, nguồn lực đầu tư chính sách…
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính Phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc biểu dương và đánh giá cao các thành tích mà UBDT đã đạt được trong năm 2015 và giai đoạn 2011-2015. Nhìn lại việc thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc 5 năm qua, Phó Thủ tướng khẳng định: Có 5 thắng lợi lớn trong công tác dân tộc giai đoạn vừa qua là: Thể chế pháp luật, cơ chế chính sách về công tác dân tộc ngày càng hoàn thiện; Nguồn lực để thực hiện chính sách dân tộc ngày càng phong phú, đa dạng và sử dụng hiệu quả hơn; Công tác chỉ đạo điều hành trọng tâm, trọng điểm hơn và sự phối hợp giữa các Bộ, ngành tốt hơn; Kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số thay đổi rõ rệt; Đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc có kinh nghiệm, tâm huyết.
Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại trong triển khai CSDT trong thời gian qua là: nhiều chính sách còn chồng chéo, không phù hợp, không mang tính đặc thù. Đặc biệt là sự phối hợp chưa đồng bộ, cơ chế chính sách còn nhiều bất cập. Chưa có cơ chế huy động nguồn lực xã hội cho vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Bên cạnh một số địa phương dành sự quan tâm đặc biệt , còn nhiều địa phương chưa quan tâm thực sự tới vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc...
Triển khai nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020, cũng như các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong năm 2016, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Ủy ban Dân tộc thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau :Thứ nhất là: Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, các địa phương, nâng cao trách nhiệm đối với công tác dân tộc, để từ đó xây dựng chính sách dân tộc phù hợp, chủ động, sáng tạo, thực tiễn, hiệu quả. Quan tâm tới vùng biên giới, dân tộc, miền núi là trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo các cấp để thực hiện mục tiêu, định hướng chủ nghĩa xã hội. Thứ hai là: Tổng kết thực hiện Nghị quyết 24 của Ban chấp hành TW khóa 9, đồng thời xây dựng Nghị quyết mới và Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác dân tộc. Đây là văn bản nòng cốt, quan trọng để thúc đẩy toàn hệ thống chính trị. Thứ ba là phải rà soát chính sách để tránh trùng lặp, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, xây dựng chính mới. Đây là nhiệm vụ quan trọng của UBDT, của các Bộ, ngành, các tỉnh để điều hành công tác dân tộc hiệu quả hơn.
Thay mặt lãnh đạo UBDT, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Giàng Seo Phử trân trọng cảm ơn và nghiêm túc tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. UBDT tiếp tục nỗ lực quyết tâm đổi mới, sáng tạo, phát huy tốt vai trò tham mưu trong lĩnh vực mà UBDT quản lý cụ thể hóa chương trình CTDT với hiệu quả thiết thực, Bộ trưởng mong muốn trong thời gian tới UBDT tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của đồng chí Phó Thủ tướng, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, Ban, ngành Trung ương và địa phương để thực hiện CSDT toàn diện hơn, đạt nhiều thành tích hơn nữa.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Giàng Seo Phử khẳng định, năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế-xã hội (2016-2020), tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được trong năm 2015 và giai đoạn 2011-2015. UBDT phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ chính trị và mục tiêu đề ra trong năm 2016 và tạo tiền đề căn bản phấn đấu hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016-2020,cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Một là, Chủ động triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội về phát triển KT-XH năm 2016 và giai đoạn 2016-2020, Nghị quyết của Chính phủ, Kết luận, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về CTDT và CSDT. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016. Tiếp tục tổ chức thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch phát triển KT-XH một số vùng giai đoạn 2011-2020; Chỉ thị số 28 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về CTDT; Chỉ thị số 1971 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường CTDT trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.; thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.
Hai là, Tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổng kết thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW khóa IX về CTDT và đề xuất xây dựng Nghị quyết mới phù hợp với tình hình hiện nay. Triển khai xây dựng Đề án Luật Dân tộc khi Quốc hội phê duyệt và thực hiện Đề án thành lập Học viện Dân tộc sau khi được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập. Xây dựng Đề án đổi tên UBDT thành Bộ Dân tộc.
Ba là, Hoàn thành các đề án năm 2015 chưa được phê duyệt và các đề án mới đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các Chương trình, chính sách, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; triển khai các nhiệm vụ kế hoạch và dự toán năm 2016; trọng tâm là Chương trình 135 và các chính sách đặc thù cho vùng DT&MN.
Bốn là, Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong hệ thống cơ quan làm CTDT từ Trung ương đến cơ sở; thực hiện Đề án phát triển nguồn nhân lực trong hệ thống cơ quan CTDT giai đoạn 2012-2020.
Năm là, Xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của UBDT nhiệm kỳ 2016-2021. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả QLNN về CTDT. Thực hiện tốt kế hoạch CCHC năm 2016. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành CTDT. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các thủ tục hành chính không còn phù hợp. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính và đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Tổ chức thành công các hoạt động và Lễ Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống cơ quan CTDT (03/5/1946-03/5/2016).
Sáu là, Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức trong hệ thống cơ quan CTDT và đồng bào các DTTS. Tăng cường thanh tra việc thực hiện CTDT, chính sách, pháp luật, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Làm tốt công tác tiếp dân, xử lý đơn thư và giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo.
Bảy là, Triển khai thực hiện tốt Đề án Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển KT-XH vùng DTTS; Tiếp tục thực hiện tốt Thỏa thuận đã ký với các nước, đồng thời tăng cường vận động, tranh thủ mọi nguồn lực của các cá nhân, tổ chức quốc tế, hỗ trợ phát triển KT-XH vùng DT&MN. Thực hiện tốt công tác nhân quyền giao.
Tám là, Đẩy mạnh tuyên truyền về kết quả và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; tuyên truyển CTDT, CSDT, các hoạt động và Lễ Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Cơ quan CTDT. Chủ động cung cấp thông tin cho báo chí tuyên truyền chủ trương phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, CSDT, chính sách tôn giáo, giúp đồng bào hiểu rõ những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhân quyền, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá Đảng và Nhà nước ta.
Chín là, Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia và các đề tài khoa học cấp Bộ. Triển khai kế hoạch nhiệm vụ khoa học và công nghệ, dự án điều tra cơ bản năm 2016, phối hợp công bố kết quả điều tra KT-XH 53 DTTS phục vụ CTDT giai đoạn 2016-2020 .
Mười là, Đẩy nhanh tiến độ xây dựng trụ sở UBDT và Khách sạn Dân tộc, chuẩn bị đầu tư Học viện Dân tộc, trụ sở Văn phòng đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh, nhằm tăng cường cơ sở vật chất phục vụ nhiệm vụ chính trị của Ủy ban.
Ghi nhận những thành tích của các tổ chức, cá nhân trong hệ thống cơ quan công tác dân tộc năm 2015, tại Hội nghị tổng kết, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT đã quyết định trao tặng Cờ thi đua cho 21 Ban Dân tộc các tỉnh, thành phố và 13 Vụ, đơn vị thuộc UBDT; Trao Bằng khen cho 16 Ban Dân tộc tỉnh, thành phố; 5 Vụ, đơn vị thuộc UBDT và 28 cá nhân có thành tích xuất sắc 2 năm liên tục (2014–2015); Công nhận 21 Chiến sĩ thi đua cấp bộ và 67 Chiến sĩ thu đua cấp cơ sở; 9 tập thể lao động xuất sắc, 194 lao động tiên tiến.