Chính sách cho không, cấp không dành cho đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay mang tính áp đặt, đồng bào bị xem là những người được thụ hưởng.
Tại buổi tọa đàm “Liệu miền núi có cần tiến kịp miền xuôi” do Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE), Trung tâm nâng cao năng lực cộng đồng (CECEM) tổ chức ngày 17/10 tại Hà Nội, nhiều diễn giả cho rằng, chính sách dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số của Chính phủ hiện nay còn nhiều bất cập.
Đó chính là việc người dân bị xem là những người được thụ hưởng, được nhận sự hỗ trợ từ trên xuống mà chưa được coi là những chủ thể tích cực của những chương trình, chính sách này. Đồng bào dân tộc thiểu số cũng được gắn với định kiến “thiếu hiểu biết”, “lạc hậu” và “cần được trợ giúp”.
Bất cập từ chính sách áp đặt
Bà Bế Thị Hồng Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách dân tộc - Ủy ban Dân tộc chia sẻ câu chuyện về thực hiện chương trình hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho bà con dân tộc thiểu số năm 2004. Theo đó, bà là người được giao theo dõi, quản lý thực hiện chính sách này.
Bà Hồng Vân kể: “Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số thời bấy giờ rất khó khăn so với bây giờ. Chúng tôi nghĩ nhu cầu cần nhất, thiết yếu nhất của đồng bào dân tộc thiểu số là nhà để ở, đất để trồng trọt, phát triển kinh tế và nước sinh hoạt. Chúng tôi đã đề xuất và triển khai thực hiện chính sách như vậy.
Tôi đã đi kiểm tra, khảo sát quá trình thực hiện chính sách và đã chứng kiến cảnh đồng bào rất cảm động khi được nhận nhà ở. Thực sự đã có những gia đình nếu không có sự hỗ trợ như vậy của nhà nước thì sẽ mãi cảnh “màn trời chiếu đất”, không có một tấc đất cắm dùi hay ngôi nhà để trú chân”.
Bà Vân cho biết, lúc đó bà cảm giác rất tự hào và vui mừng vì đã mang được thành quả gì đó cho đồng bào dân tộc thiểu số, giúp họ giải quyết những khó khăn trước mắt.
Tuy nhiên, 4 năm sau dự án, khi quay lại kiểm tra, bà rất bất ngờ bởi nhìn cảnh nhà cửa bị xuống cấp trầm trọng. Ở một số xã đã phải bỏ tiền ra chuộc đất về cho bà con, vì khi được hỗ trợ đất, đồng bào đã đem đi bán.
“Tôi tự nhận ra rằng, chính sách của mình còn có điểm bất ổn. Tôi cảm giác đồng bào không nghĩ đó là ngôi nhà của mình, mà là nhà của Chính phủ cho để ở, nên việc sửa chữa Chính phủ vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ. Đồng bào vẫn bị động, chưa có ý thức cùng Chính phủ duy trì sự hỗ trợ đó” – bà Vân kết luận.
Ông Trương Văn Tỵ, Vụ trưởng vụ Dân tộc Tôn giáo - Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cũng nêu dẫn chứng về bất cập trong chính sách dành cho bà con dân tộc thiểu số: “Một câu chuyện có thật là một nhà tài trợ cho Tây Nguyên 5.000 con bò. Sau đó, nhà tài trợ đến địa phương phát bò cho các hộ gia đình. Một phụ nữ thuộc diện hộ nghèo, chồng mất, được nhận 1 con bò nhưng chị khóc lóc và kiên quyết không nhận. Hỏi ra được biết, nếu nhận chăm sóc con bò chị sẽ không có thời gian đi làm thuê nuôi con ăn học, như thế con sẽ phải nghỉ học ở nhà chăn bò”.
Chính sách cho không, phát không liệu còn phù hợp?
Theo bà Bế Thị Hồng Vân, quy trình làm chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay là từ trên xuống và thiếu sự gắn kết, đồng bộ về chiến lược; dự vào nguồn lực phân bổ nên mang tính bị động. Bên cạnh đó, trình độ nhận thức của cán bộ xây dựng chính sách không đồng đều. Cán bộ khi đi khảo sát vẫn mang tính chủ quan của người làm chính sách và áp đặt.
Mục tiêu chương trình luôn đưa cho đồng bào, mà không cho họ sự lựa chọn. Ngược lại, bà con chưa có sự tự tin để thể hiện những vấn đề cần giải quyết chính của mình; chưa thực sự chủ động tham gia trong tất cả các khâu xây dựng, thực hiện chính sách.
Bà Bế Thị Hồng Vân nhấn mạnh, khi xây dựng những chính sách cho bà con dân tộc thiểu số cần phải biết phát huy nội lực và sức mạnh cộng đồng, trao cho họ tiếp cận cơ hội. Chính sách cho bà con trong thời gian tới sẽ có sự thay đổi, không để người dân “bị động” thụ hưởng chính sách mà họ phải là chủ thể cùng tham gia xây dựng và triển khai thực hiện chính sách.
“Trong thời gian tới, chính sách của chúng tôi hướng tới tăng định mức cho vay, giảm các chính sách cho không. Chính phủ cũng cần đặt niềm tin vào năng lực người dân; bản thân nhân dân phải tự tin, vượt qua định kiến để nói nói tiếng nói của chính đồng bào, cùng Chính phủ giải quyết vấn đề đặt ra” – bà Hồng Vân nói.
Ông Trương Văn Tỵ cũng đề xuất: “Trong thời gian tới, Nhà nước chỉ nên ban hành những chính sách khung, còn việc cụ thể hóa chính sách nên giao cho chính quyền địa phương và người dân trực tiếp quyết định triển khai thực hiện và họ sẽ chịu trách nhiệm về việc thực hiện chính sách đó”.
Ông Trương Văn Tỵ cũng nhấn mạnh, chính sách dân tộc thời gian tới cần xây dựng theo nguyện vọng của người dân; hạn chế cho không, cấp không./.