Đối tượng áp dụng là các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cấp huyện, xã và các đơn vị sử dụng vốn NSNN để thực hiện Chương trình (sau đây gọi tắt là bộ, cơ quan Trung ương và địa phương). Cơ quan, tổ chức tham gia hoặc có liên quan đến lập kế hoạch đầu tư trung hạn và hằng năm nguồn NSNN của Chương trình trong giai đoạn 2021 - 2025.
Về nguyên tắc phân bổ vốn gồm: Tuân thủ quy định của Luật Đầu tư công, Luật NSNN, Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 8/7/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn NSNN giai đoạn 2021 - 2025 và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Bám sát các mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể của Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 nhằm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra; bảo đảm không vượt quá tổng mức vốn đầu tư, vốn sự nghiệp và không thay đổi cơ cấu nguồn vốn của Chương trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ưu tiên bố trí vốn thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng phù hợp với các mục tiêu phân bổ nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025, các nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền phê duyệt giai đoạn trước nhưng chưa đủ nguồn lực thực hiện đã được tích hợp tại nội dung Chương trình; các địa phương chỉ đạo điểm được Thủ tướng Chính phủ hoặc cấp có thẩm quyền phê duyệt; tập trung đầu tư, hỗ trợ các xã, thôn, bản khó khăn nhất, giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất.
Bên cạnh đó, ưu tiên bố trí ngân sách Trung ương đầu tư các công trình giao thông cho các xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; đầu tư công trình giao thông kết nối (hệ thống cầu, đường giao thông), công trình điện lưới quốc gia phục vụ phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh cho các huyện nghèo có nhiều xã biên giới, xã khu vực III và thôn đặc biệt khó khăn; đầu tư trường dân tộc nội trú cho huyện có đông đồng bào DTTS sinh sống, có nhiều xã đặc biệt khó khăn nhưng chưa có địa điểm hoặc phải thuê địa điểm hoạt động.
Đáp ứng yêu cầu quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách của Chương trình; tăng cường phân cấp cho cơ sở để tạo sự chủ động, linh hoạt cho các địa phương, các cấp, các ngành trong triển khai, thực hiện Chương trình trên cơ sở nội dung, định hướng, lĩnh vực cần ưu tiên, phù hợp với đặc thù, điều kiện, tiềm năng lợi thế từng địa phương, từng vùng theo quy định của pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, dễ thực hiện.
Ngân sách Trung ương phân bổ vốn kế hoạch hằng năm cho các địa phương thực hiện Chương trình theo kết quả giải ngân của năm trước năm kế hoạch; ưu tiên phân bổ cho các địa phương, các dự án, tiểu dự án, nội dung của Chương trình bảo đảm tiến độ giải ngân. Ngân sách Trung ương chỉ hỗ trợ các địa phương nhận bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương và các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa.
Phân bổ vốn của Chương trình bảo đảm công khai, minh bạch, đơn giản, dễ hiểu, dễ tính toán, dễ áp dụng, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính và tăng cường phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Quyết định giao Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các bộ, cơ quan Trung ương, các địa phương tổng hợp phương án phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương trung hạn và hằng năm thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo đúng nguyên tắc, tiêu chí và định mức quy định tại Quyết định này.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Ủy ban Dân tộc đề xuất phương án cân đối, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương hằng năm cho Chương trình.
Ngoài ra quyết định cũng chỉ rõ nhiệm vụ của một số bộ ngành liên quan trong triển khai thực hiện chương trình như Bộ Tài chính; các bộ, cơ quan Trung ương chủ trì, quản lý các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của Chương trình; UBND cấp tỉnh.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 30/12/2021.