Ngày 9/11/2021, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh đã ký Công điện số 17 về ứng phó mưa lũ trên địa bàn tỉnh.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh, vùng biển Bình Định có mưa rào và dông rải rác, gió Đông bắc cấp 5 lúc cấp 6, giật cấp 7, sóng biển cao từ 2,0 - 3,0m, biển động. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.
Để chủ động ứng phó với diễn biến mưa, lũ và thời tiết nguy hiểm trên biển trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, Trưởng ban Ban Chỉ huy PCTT - TKCN và PTDS tỉnh yêu cầu các Ban Chỉ huy PCTT - TKCN và PTDS các Sở, ban ngành, Ban Chỉ huy PCTT - TKCN và PTDS các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương thực hiện ngay một số nội dung:
1. Triển khai thực hiện Công điện số 21/CĐ-VPTT hồi 18 giờ 30 ngày 08/11/2021 của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống thiên tai – Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; Văn bản số 12/BCH-PCTT ngày 08/11/2021 của Ban Chỉ huy PCTT -TKCN và PTDS tỉnh về việc chủ động ứng phó với đợt lũ từ ngày 08/11 – 11/11/2021.
2. Đối với khu vực trên biển và ven bờ:
- Theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo không khí lạnh tăng cường; thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh, có kế hoạch sản xuất thích hợp.
- Giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện, sẵn sàng lực lượng để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
- Hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền tránh va đập làm chìm, hư hỏng tại các bến neo đậu, tránh trú. Tổ chức, hướng dẫn di chuyển, chằng buộc, gia cố các lồng bè nuôi trồng thủy sản để đảm bảo an toàn cho người và giảm thiệt thiệt hại đối với nuôi trồng thủy sản.
3. Đối với khu vực đất liền:
- Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, thông tin cảnh báo kịp thời đến chính quyền và người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh, bảo đảm an toàn cho người, tài sản và sản xuất.
- Rà soát, triển khai phương án ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, lũ, lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra trong những ngày tới. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ di dời dân ra khỏi vùng có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất khi có yêu cầu, đồng thời phòng chống dịch Covid-19 và bảo đảm an ninh, trật tự, vệ sinh tại nơi sơ tán đến.
- Chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tại các khu vực có nguy cơ bị chia cắt theo phương châm bốn tại chỗ. Khẩn trương tổ chức thu hoạch lúa vụ 3 và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho chăn nuôi, nhất là các cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô lớn.
- Tổ chức lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông nhất là các đoạn nước tràn qua đường, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết khi mưa lũ lớn xảy ra; nghiêm cấm không cho người dân đánh bắt cá, vớt củi trên sông khi có lũ xảy ra.
- Triển khai lực lượng đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân; tổ chức triển khai lực lượng xung kích phòng chống thiên tai tại các nơi xung yếu; bố trí phương tiện, vật tư để ứng phó các sự cố.
4. Triển khai phương án bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều, công trình hồ đập và khu vực hạ du, nhất là 12 hồ xung yếu, các công trình đang thi công, xây dựng; bố trí lực lượng, vật tư, máy móc, thiết bị sẵn sàng ứng phó, xử lý khi có tình huống. Vận hành các hồ chứa để đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du theo quy trình vận hành; tháo dỡ vật cản, các mảng bèo lớn trên sông và tại các công trình trên sông (cầu, cống, đập dâng).
5. Hiệu trưởng các trường học tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ, chủ động cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh.
6. Các lực lượng vũ trang: Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có lệnh; chủ động hướng dẫn, phân luồng, kiểm soát giao thông hoạt động tại các khu vực bị ảnh hưởng, đảm bảo an toàn giao thông quốc lộ, tỉnh lộ. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh triển khai phương án hiệp đồng với các đơn vị của Bộ, Quân khu về ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021. Đặc biệt, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ ứng phó và giúp nhân dân trong mưa, lũ.
7. Điện lực Bình Định bảo đảm an toàn hệ thống điện, Viễn thông Bình Định bảo đảm an toàn thông tin liên lạc, phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
8. Sở Y tế và các địa phương chuẩn bị dự trữ các cơ số thuốc để chữa bệnh, khử khuẩn nước, tiêu độc khử trùng vùng mưa, lũ lớn trong điều kiện chống dịch Covid – 19.
9. Tùy theo tình hình diễn biến mưa, lũ: Hoãn tất cả các cuộc họp không quan trọng để tập trung chỉ đạo ứng phó với mưa, lũ. Các thành viên Ban chỉ huy PCTT - TKCN và PTDS tỉnh về ngay địa bàn đã được phân công, phối hợp với các thành viên Ban chỉ huy PCTT - TKCN và PTDS các huyện, thị xã, thành phố để chỉ đạo ứng phó khẩn cấp với mưa, lũ. Các sở, ban, ngành thực hiện theo chức năng nhiệm vụ được giao tổ chức triển khai công tác ứng phó.
10. Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định, Báo Bình Định, đặc biệt đài Truyền thanh các địa phương thường xuyên đưa tin về diễn biến mưa, lũ để người dân biết và chủ động phòng tránh.
11. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, báo cáo tình hình mưa, lũ và thiệt hại 06 giờ 1 lần về Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh để tổng hợp đề xuất UBND tỉnh xem xét chỉ đạo thực hiện./.