Ngày 25/10/2021, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh đã ký Công điện số 16 về ứng phó áp thấp nhiệt đới.
Dự báo, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hoạt động của đới gió Đông trên cao nên ngày và đêm nay (25/10) ở khu vực tỉnh Bình Định có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến từ 40-80mm, có nơi trên 100mm.
Để chủ động ứng phó với ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão, mưa lớn diện rộng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, Trưởng ban Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và Phòng thủ dân sự tỉnh yêu cầu các Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và Phòng thủ dân sự các Sở, ban ngành, Ban Chỉ huy PCTT - TKCN và Phòng thủ dân sự các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương thực hiện ngay một số nội dung sau:
1. Tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện số 1420/CĐ-TTg ngày 23/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ để ứng phó, khắc phục tình hình mưa, lũ và vùng áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão trên biển Đông.
2. Đối với khu vực trên biển và ven bờ:
- Theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến của áp thấp nhiệt đới; thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động thoát ra hoặc không di chuyển vào vùng nguy hiểm. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông được cập nhật theo các bản tin của cơ quan dự báo khí tượng thủy văn.
- Kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
- Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng đảm bảo an toàn cho hoạt động trên biển và nuôi trồng thủy sản.
3. Đối với khu vực đất liền
- Theo dõi chặt chẽ diễn biến ATNĐ, mưa lũ, thông tin cảnh báo kịp thời đến chính quyền và người dân để chủ động phòng, tránh.
- Chủ động rà soát, chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, lũ, lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra trong những ngày tới. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ di dời dân ra khỏi vùng có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất khi có yêu cầu, đồng thời đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để ứng phó với ATNĐ, mưa lớn diện rộng có khả năng gây lũ, ngập lụt.
- Triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất, kiểm tra, rà soát phương án đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, công trình hồ đập và khu vực hạ du, nhất là các hồ xung yếu, các công trình đang thi công, xây dựng; bố trí lực lượng, vật tư, máy móc, thiết bị sẵn sàng ứng phó, xử lý khi có tình huống.
- Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, nhất là các vị trí sạt lở chia cắt giao thông.
4. Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định, Báo Bình Định, đặc biệt đài Truyền thanh các địa phương thường xuyên đưa tin về diễn biến ATNĐ, mưa lũ để người dân biết và chủ động phòng tránh.
5. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, báo cáo về UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT - TKCN và Phòng thủ dân sự tỉnh để chỉ đạo thực hiện./.